Để tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới công tác cán bộ có kết quả, trước hết đòi hỏi phải đổi mới tư duy về công tác cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức cán bộ, việc đánh giá, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức đúng người, đúng việc để đáp ứng mục tiêu đề ra. Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 21-2-2018 của Tỉnh ủy về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã và đang có những biến chuyển tích cực, việc xây dựng vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm mục tiêu bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sắp xếp hợp lý đầu mối các phòng, ban chuyên môn và một số chức danh cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ, công chức Sở Nội vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết hồ sơ công việc. Ảnh: Văn Nỷ
Từ góc nhìn cán bộ là “cái gốc của mọi công việc” của Hồ Chí Minh đến kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn của Đảng để nhìn thấy việc sử dụng con người trong công việc, vị trí việc làm được liệt kê đồng thời loại trừ được tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tham nhũng không chỉ là tiền của, vật chất mà còn tham nhũng thời gian, đây là sự lãng phí vô hình khó nhìn thấy được.
Việc đẩy mạnh xây dựng vị trí việc làm, trong đó bao gồm xây dựng quy chế, quy định về quản lý cán bộ, viên chức theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và phù hợp với đặc thù công tác của mỗi cơ quan, đơn vị sẽ tạo được hành lang có tính pháp lý cho công tác quản lý và là điều kiện để cán bộ, viên chức phát huy năng lực tối đa, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Xác định vị trí việc làm là đòi hỏi tất yếu của cơ quan, đơn vị để định hình tổ chức bộ máy và tiêu chuẩn chọn nhân sự phù hợp với từng vị trí. Xác định được các vị trí việc làm giúp cho cơ quan quản lý, sử dụng nhân lực có thể xác định được cơ cấu, số lượng, chất lượng nhân lực bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan mình.
Đổi mới công tác cán bộ là vấn đề cấp bách, là yêu cầu khách quan của sự phát triển cách mạng. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đề ra mục tiêu: Đến năm 2025: Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; Cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định… và những nội dung khác về công tác tổ chức, cán bộ.
Trên nền tảng tư tưởng và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tổ chức, cán bộ; Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được thực hiện, có một cơ chế về quản lý cán bộ đúng đắn thì mới có đánh giá cán bộ một cách chính xác, sự lựa chọn, bố trí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, loại bỏ được những yếu tố không lành mạnh, thiếu khách quan, vụ lợi trong công tác cán bộ. Cơ chế đúng, mới đảm bảo được nguyên tắc tập trung dân chủ trong các bước đi, các quyết định về cán bộ, theo đó nhất định công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả nước nói chung, Ninh Thuận nói riêng ngày càng được đổi mới và phát triển, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Võ Kim Vân-Ban Tổ chức Tỉnh ủy