Trải qua 60 năm với những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Cuba đã vượt qua cả những giới hạn, quy tắc thông thường trong quan hệ quốc tế, trở thành một mối quan hệ đặc biệt, vừa là đồng chí vừa là anh em.
60 năm nghĩa tình
Sự gắn kết về lý tưởng cách mạng cao đẹp của thời đại, đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc đã tạo nên sự đồng cảm, thấu hiểu giữa hai dân tộc ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, tạo nên nghĩa tình đi qua 60 năm thăng trầm của lịch sử, vượt cả giới hạn, quy tắc thông thường trong quan hệ quốc tế.
Quan hệ đoàn kết, anh em giữa Việt Nam và Cuba do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro đặt nền móng và ngày càng phát triển. Ngày 2-12-1960, Cộng hòa Cuba đã trở thành nước đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðây không chỉ là sự kiện trọng đại trong quan hệ giữa hai nước, mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với Chính phủ Việt Nam non trẻ.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, tình cảm anh em, tình đồng chí keo sơn giữa Việt Nam và Cuba được thể hiện rất rõ nét và sinh động thông qua câu nói bất hủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình". Câu nói ấy đã được thể hiện rõ nét qua sự ủng hộ kịp thời và hiệu quả của Đảng và nhân dân Cuba cho Việt Nam trong những năm tháng khó khăn. Câu nói ấy đã in sâu vào trái tim người Việt Nam và với người Việt Nam, Cuba luôn là người anh em ruột thịt, là niềm tự hào và là ngọn cờ cách mạng đầy khí phách của chủ nghĩa xã hội.
Tháng 12-1961, Cuba cũng là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 9-1963, Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam được thành lập (từ năm 1965 được đổi tên thành Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam). Ủy ban đã khởi xướng, động viên, tập hợp lực lượng và tổ chức các tầng lớp nhân dân Cuba tham gia các hoạt động phong phú nhằm chia lửa chiến đấu với Việt Nam. Tháng 7-1967, Cuba là nước đầu tiên thiết lập cơ quan đại sứ quán trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, đem lại nguồn cổ vũ, động viên quý báu cho các chiến sĩ quân giải phóng. Tháng 9-1973, bất chấp bom đạn, lãnh tụ Fidel Castro đã đến Quảng Trị, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên và cũng là duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến ngày Sài Gòn được giải phóng, ngày 30-4-1975, cả nước Cuba cũng tràn ngập cờ hoa và cả những giọt nước mắt trong niềm vui của một dân tộc vì Việt Nam sẵn sàng hiến dâng cả máu mình.
Sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Một lần nữa, vượt qua khoảng cách địa lý và hoàn cảnh khó khăn, Cuba lại kề vai sát cánh, hỗ trợ nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Fidel Castro lại một lẫn nữa khẳng định: “Nếu trước đây chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình thì ngày nay chúng ta sẵn sàng đổ mồ hôi để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước”. Hàng đoàn cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, công nhân, kỹ thuật viên… của Cuba đã lao động tình nguyện ở Việt Nam. Hàng loạt công trình thắm tình anh em Cuba-Việt Nam đã ra đời, như: khu chăn nuôi bò Mộc Châu, khu chăn nuôi gà Lương Mỹ, khách sạn Thắng Lợi, con đường Xuân Mai (Sơn Tây-Ba Vì), Bệnh viện Việt Nam-Cuba, Bệnh viện Đồng Hới…
Cuối năm 1982, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Cuba-Việt Nam được ký kết tại La Habana xác định khuôn khổ pháp lý cho mối quan hệ đã "xum xuê lá xanh và quả ngọt". Nhân dịp này, Chủ tịch Fidel Castro đánh giá: “Giống như những dòng sông nhỏ phát sinh từ những vùng xa cách nhau và trong một thời gian dài đã trải qua những thác ghềnh và trong cảnh lẻ loi, hai dân tộc chúng ta đã trải qua lịch sử cho đến một lúc nhập vào dòng sông lớn và hùng vĩ của cách mạng xã hội chủ nghĩa”.
Đáp lại tình cảm to lớn của nhân dân Cuba, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu sụp đổ, Mỹ siết chặt cấm vận, Cuba phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, Việt Nam đã dành cho đất nước anh em Cuba sự ủng hộ hết lòng. Việt Nam đã gửi gạo, quần áo, đồ dùng học tập và nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sang giúp nhân dân Cuba. Đã xuất hiện biết bao nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Việt Nam đối với bạn, từ các bé thiếu nhi đến các bậc phụ lão, từ người miền xuôi đến người miền núi… khẳng định sự ủng hộ, chia sẻ ngọt bùi với nhân dân Cuba, chân thành và tự nguyện.
Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục viện trợ lương thực, thực phẩm, máy móc và trang thiết bị giúp nước bạn, đồng thời tích cực vận động các quốc gia trên thế giới kêu gọi Mỹ bỏ bao vây cấm vận Cuba.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba vào tháng 3-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Quan hệ Việt Nam-Cuba là quan hệ anh em, đồng chí thân thiết, chân thành, trong sáng và đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ ở mỗi nước, đã được thử thách, rèn luyện qua hơn nửa thế kỷ đến ngày nay và đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, trở thành biểu tượng của thời đại.
Tiếp tục vun đắp mối quan hệ tốt đẹp trên mọi lĩnh vực
Trải qua thăng trầm của lịch sử, quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện Việt Nam-Cuba không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực.
Về quan hệ chính trị, ngoại giao, hai nước luôn nỗ lực duy trì, phát triển quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp, gắn bó mật thiết với sự tin cậy cao, thể hiện qua việc thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giao lưu nhân dân, nhất là cơ chế hợp tác liên chính phủ giữa hai nước; nhất quán ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Việt Nam được Cuba chọn là đối tác đầu tiên tại châu Á để cùng nghiên cứu, đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại mới (tháng 11-2018). Hai bên cũng triển khai Chương trình nghị sự kinh tế song phương trung hạn giai đoạn 2014-2019 và giai đoạn 2020-2025. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại châu Á, châu Ðại Dương và là nhà cung cấp gạo chủ yếu của Cuba, đồng thời hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giúp Cuba từng bước bảo đảm an ninh lương thực... Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Cuba đạt mức cao nhất là năm 2018 đạt gần 350 triệu USD; năm 2019 giảm xuống còn 226,8 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 221,6 triệu USD và nhập khẩu từ Cuba 5,2 triệu USD. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, ngoài ra còn có hàng tiêu dùng, sắt thép các loại, giấy, sản phẩm gốm sứ, hóa chất, dệt may, máy móc thiết bị... Ở chiều ngược lại, Cuba xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là dược phẩm.
Riêng trên lĩnh vực đầu tư, Cuba và Việt Nam hiện có hai dự án hoạt động khá hiệu quả là Công ty Liên doanh xây dựng quốc tế (VIC) và xí nghiệp Vi sinh học Việt Nam (BIO VIETNAM). Cuba cũng chủ động đề xuất doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, như: công nghiệp, du lịch, công nghệ sinh học và các lĩnh vực ưu tiên phát triển tại Đặc khu phát triển kinh tế Mariel (ZEDM) và lĩnh vực mới như sản xuất vaccine, dược phẩm. Trong hành trình xúc tiến đầu tư vào ZEDM, Cuba đã chọn Việt Nam là đối tác đầu tiên được cấp phép đầu tư 100% vốn nước ngoài để phát triển khu công nghiệp được khởi công vào tháng 11-2018.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, hai nước còn hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, dầu khí, viễn thông, giáo dục và y tế… Việt Nam chuyển giao kỹ thuật và con giống, giúp Cuba canh tác lúa nước trên quy mô nhỏ, nuôi trai lấy ngọc, phát triển công nghệ gốm sứ, duy trì khối lượng gạo sang thị trường Cuba… Phía Cuba tiếp tục hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong công nghệ mía đường; chế biến phụ phẩm từ mía đường; nuôi cá sấu; chuyển giao gen kháng bệnh cho lúa, bắp cải, khoai lang; tư vấn giám sát các công trình xây dựng khu liên hợp thể thao, đường Hồ Chí Minh; hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghệ sản xuất nhà ở kiểu simplex ở vùng ngập nước Đồng bằng sông Cửu Long; giúp đỡ một số chương trình y tế quan trọng…
Trải qua 60 năm, quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba mãi là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa quốc tế trong sáng, vô tư và thủy chung, là niềm tự hào của các thế hệ của nhân dân hai nước. 60 năm qua, dù tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi sâu sắc, với những diễn biến phức tạp, khó lường, song Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước luôn kiên trì và quyết tâm đưa mối quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp mà hai dân tộc đã dày công vun đắp, trở thành một mối quan hệ đặc biệt, là hình mẫu của quan hệ quốc tế.
Theo TTXVN