Chuyển hướng, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vừa bị hạn vừa bị tác động của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh; nhưng với sự chuyển hướng linh hoạt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khai thác tốt các lợi thế và nhóm ngành trụ cột, các dự án động lực thay thế đã tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế vượt bậc, làm cơ sở để tiếp tục phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo, phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước.

Hoàn thành “mục tiêu kép”

Nhờ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa tích cực phòng, chống đại dịch COVID-19, ứng phó hiệu quả với hạn, vừa đảm bảo phát triển KT-XH, năm 2020 tỉnh có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,17%, tăng 11-12%, tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.900 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.760 tỷ đồng. Duy có tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt ở mức 46,8% so với kế hoạch giao là 49-50%.

Công nhân Tập đoàn BIM làm việc tại Nhà điều khiển Trạm cắt 220 kV Quán Thẻ (Thuận Nam). Ảnh: H.Nỷ

Điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh, đó là đã triển khai công tác chống hạn với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả. Công tác điều tiết nước, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển cánh đồng lớn đạt kết quả. Đã hoàn thành đưa vào hoạt động nhiều tuyến ống kênh chính hồ chứa nước Tân Mỹ và các kênh nhánh, phục vụ kịp thời công tác chống hạn bảo đảm tổng diện tích gieo trồng 68.600 ha. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chính tăng khá, quy mô đàn gia súc tăng. Trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 16.972 tỷ đồng, tăng 22,55% so với cùng kỳ. Khâu đột phá về năng lượng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, các dự án động lực thay thế như: cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1, điện khí LNG Cà Ná đang đẩy nhanh tiến độ xúc tiến triển khai; nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và dự án thủy điện tích năng Bác Ái được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500kV và nhiều dự án hạ tầng truyền tải khác cơ bản hoàn thành đã tạo đột phá trong giải quyết tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đã kiểm soát, khống chế, không để bùng phát lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo được thực hiện tốt; quân sự, quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trong năm tỉnh cũng đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đổi mới tư duy và hành động tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp để làm tiền đề cho những năm tiếp theo; đây cũng là năm được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh; tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ hạn tiếp tục diễn ra bởi hiện nay lượng nước 21 hồ chứa toàn tỉnh chỉ mới đạt 105 triệu m3, xấp xỉ bằng 54% dung tích thiết kế; nguồn chi ngân sách và đầu tư công giảm…

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 đánh giá tình hình KT-XH năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 vào ngày 26-11 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong năm 2021, tỉnh xác định tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển KT-XH. Trên tinh thần đó, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy và hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh về năng lượng sạch, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao. Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư công, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống Nhân dân.

Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam đầu tư năng lượng tái tạo tại huyện xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Ảnh: Phan Bình

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao; tiếp tục phát huy thương hiệu tôm giống; khuyến khích đầu tư trang, thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi. Phấn đấu năm 2021 có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3-4%. Trong công nghiệp, tiếp tục triển khai đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, triển khai có hiệu quả các dự án năng lượng đã đưa vào quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực ở khu kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tập trung phát triển kinh tế đô thị gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị hiện đại, thông minh, đô thị du lịch và phát triển một số đô thị mới. Du lịch phát triển mạnh các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế có giá trị gia tăng cao; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch trọng điểm. Tranh thủ tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ, ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối, hạ tầng thủy lợi theo hướng liên thông các hồ chứa. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có chọn lọc các nguồn lực từ bên ngoài, đầu tư một số dự án có quy mô lớn, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như các dự án công nghiệp ven biển, dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí; nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững.