Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11): Hành động để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ

Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những vi phạm về quyền con người phổ biến nhất trên thế giới và những tác động tiêu cực của bạo lực gây ra đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng là vô cùng to lớn. Do đó, việc ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

Nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một người sẽ trở thành đối tượng của bạo lực giới.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (gần 63%), bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Trong đó, phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật. So với Báo cáo năm 2010, tỷ lệ phụ nữ bị các dạng bạo lực đã giảm nhẹ. Thay đổi tích cực diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy trình độ học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và kìm hãm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi phải sống trong gia đình có xảy ra bạo lực.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa số phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

Đáng lo ngại, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó đã trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến COVID-19 đã chỉ ra rằng những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội hiện tại hoặc đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở nhiều quốc gia, số trường hợp bạo lực gia đình ước tính đã tăng lên ít nhất 30%. Tại Việt Nam, đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc-KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước đó.

Đẩy mạnh các giải pháp xóa bỏ bạo lực với phụ nữ

Việc ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển của xã hội. Do đó, trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn và tiến tới giảm thiểu thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới. Đây được xem là nền tảng quan trọng thể hiện sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, nhiều văn bản pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ gia đình và phòng ngừa bạo lực gia đình đã được ban hành, như: Hiến pháp năm 1992, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Bên cạnh đó, một số mô hình, như: Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp bình đẳng giới, trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái đã được triển khai thực hiện, góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.

Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Việt Nam hiện là một trong ba nhóm các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, xếp thứ 68/166 nước về chỉ số phát triển giới.

Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm xóa bỏ các nguy cơ này. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật, chính sách và Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với phụ nữ.

Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ và mỗi người dân. Theo đó, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương cần thực hiện đồng bộ lồng ghép hiệu quả công tác bình đẳng giới với các chương trình mục tiêu khác, đưa các nội dung của công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các đơn vị, địa phương. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, cần duy trì và nhân rộng các mô hình, như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ 3... Đẩy mạnh và khuyến khích hơn nữa nam giới tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Cùng với đó, giải quyết hiệu quả các bất bình đẳng, các chính sách, chương trình liên quan về giới, nâng cao tính tự chủ của phụ nữ để họ tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Đối với mỗi người phụ nữ, cần nâng cao nhận thức về giá trị bản thân, nâng cao trình độ hiểu biết, đặc biệt là kiến thức gia đình, chú ý đến kiến thức pháp luật, tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để tự bảo vệ mình và lên tiếng khi bị bạo lực...