Sau các đợt ra quân thu gom, xử lý, tuyên truyền, vận động thời gian gần đây, tình trạng này đã giảm hẳn. Ông Nguyễn Thế Chính, Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: Những năm qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng lang thang, ăn xin. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 954/KH-UBND, ngày 27-3-2020 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh, thành phố đã chỉ đạo tăng cường nắm tình hình, tổ chức các đợt ra quân, tuyên truyền, xử lý. Kết quả, từ đầu năm đến nay, đã thu gom 10 trường hợp; trong đó 2 người lang thang, xin ăn, 8 người tâm thần. Ngoài ra, còn vận động 9 trường hợp là người trong tỉnh về nhà làm ăn sinh sống bỏ nghề xin ăn.
Mặc dù trình trạng lang thang, xin ăn đã giảm nhưng vẫn chưa giải quyết đứt điểm. Mục tiêu Kế hoạch 954 của UBND tỉnh xác định phát hiện kịp thời, tập trung 100% số người xin ăn, tâm thần, lang thang; phân loại, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh và giải quyết hồi gia, hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng. Công tác tập trung, giải quyết đối tượng sau khi tập trung cũng được kế hoạch nêu rõ, đối với những người lang thang, xin ăn có hộ khẩu thuộc các địa bàn khác trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn đề nghị địa phương có đối tượng lang thang, xin ăn tiếp nhận về với gia đình; gia đình và các địa phương này phải cam kết chăm sóc, quản lý đối tượng tránh tình trạng tái lang thang, xin ăn. Người lang thang, xin ăn có hộ khẩu ngay tại địa phương được vận động, đưa về gia đình quản lý. Trẻ em mồ côi, người lang thang, xin ăn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nguồn nuôi dưỡng theo quy định, UBND xã, phường nơi đối tượng thường xuyên lui tới làm thủ tục đề nghị Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung. Riêng các trường hợp ngoài tỉnh chưa xác minh được thông tin cũng được đưa về trung tâm quản lý, nuôi dưỡng trong thời gian xác minh. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm và đạt được mục tiêu theo kế hoạch là điều hết sức khó khăn đối với Tp.Phan Rang - Tháp Chàm.
Vẫn còn tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm.
Là đô thị trung tâm của cả tỉnh, Phan Rang- Tháp Chàm là khu vực tập trung rất nhiều các đối tượng lang thang, xin ăn trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các đối tượng này xem xin ăn như một nghề để kiếm sống. Nhiều trường hợp, nhất là người già được người thân nuôi dưỡng, lại thích đi lang thang, xin ăn, nên sau khi được thu gom đưa về nơi sinh sống hoặc vào trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó trốn ra ngoài tiếp tục trở lại “hành nghề”. Không ít trường hợp xin ăn biến tướng, khi gặp lực lượng chức năng giả vờ là người dân bình thường, người bán vé số, bán hàng rong… để tránh không bị thu gom, xử lý; còn có nhiều trường hợp có hành vi chống đối, không chấp hành. Ngoài ra, các đối tượng này thường xuyên di chuyển địa bàn “hành nghề” nên việc quản lý, thu gom hết sức khó khăn.
Công tác tuyền truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về công tác này cũng chưa hiệu quả. Thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin, UBND các xã, phường hàng ngày phát sóng trên hệ thống truyền thanh của thành phố, của xã, phường tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay giải quyết tình trạng này, đặc biệt đã ra quy định “thưởng nóng” 200.000 đồng cho người phát hiện, thông báo, nhưng từ khi ban hành đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận bất cứ cuộc gọi nào từ phía người dân. Nguyên nhân là do người dân còn có tâm lý e ngại, thậm chí khi gặp các đối tượng này còn cho tiền. Khi được hỏi, nhiều người còn không hề biết quy định này. Một số xã, phường đến nay vẫn chưa thiết lập, thông báo rộng rãi đường dây nóng nên khi gặp đối tượng lang thang, xin ăn, người dân không biết thông báo đến số điện thoại, địa chỉ nào.
Ngoài ra, việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho những người lang thang, ăn xin sau khi hồi gia quá khó khăn. Không có công ăn việc làm, thu nhập, nhiều người trở lại “hành nghề”. Việc theo dõi, ra quân thu gom các đối tượng chưa được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt. Cán bộ làm công tác này quá mỏng và phải làm công tác kiêm nhiệm nên nhiều lúc không nắm rõ tình hình... dẫn đến công tác tuyên truyền, thu gom và xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng thang thang tâm thần, xin ăn đòi hỏi Tp.Phan Rang- Tháp Chàm cần có quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Công tác thu gom, xử lý các đối tượng phải thực hiện thường xuyên, liên tục, tránh làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Ngoài ra, cần có chính sách giảm nghèo hiệu quả đối với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những đối tượng trong độ tuổi lao động, cũng như các chính sách bảo trợ xã hội cho những đối tượng người khuyết tật, người không nơi nương tựa, nâng cao, cải thiện đời sống cho người dân nhằm giải quyết vấn đề lang thang, xin ăn từ gốc. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tổ chức, xúi giục người khác đi xin ăn để trục lợi. Qua đó, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, hình ảnh đẹp hơn cho Tp.Phan Rang-Tháp Chàm.
Uyên Thu