Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ của Bệnh viện được Bộ Y tế quy định. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động mời gọi, khuyến khích, hỗ trợ mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ y tế từ điều dưỡng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân đến những bác sĩ chuyên gia cao cấp của Bệnh viện đều hăng hái tham gia nghiên cứu khoa học. Mỗi năm có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, cấp tỉnh được các khoa, phòng trong Bệnh viện chủ trì thực hiện. Hoạt động nghiên cứu ngày càng đa dạng và chuyên sâu từng lĩnh lực chăm sóc người bệnh đem lại niềm tin đối với bệnh nhân. Đơn cử, tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ V (2018-2019), Giải pháp tầm soát trầm cảm ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối của Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thái Tuấn đạt giải Khuyến khích. Theo đánh giá của Ban Tổ chức hội thi, giải pháp có tính mới là nghiên cứu đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, góp phần tăng chất lượng cuộc sống bệnh nhân, giảm nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối đang lọc máu chu kỳ. Bằng cách sử dụng BDI > 16 tầm soát trầm cảm ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính giúp các bệnh viện điều trị hiệu quả, an toàn và tiết kiệm hơn. Ở các hội thi trước, nhiều đề tài, giải pháp của cán bộ, viên chức Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng giành được nhiều giải thưởng.
Bác sỹ Chuyên khoa II Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh giới thiệu mô hình phát triển
Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong điều trị bệnh. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2020-2025, cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận tổ chức được 5 lần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những đơn vị có nhiều giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong lĩnh vực y tế tham gia hội thi và đạt giải cao. Điều này cho thấy, lãnh đạo Bệnh viện luôn quan tâm, chỉ đạo phong trào, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tham gia nghiên cứu khoa học.
Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-kỹ thuật và sáng kiến cải tiến vào công tác, chất lượng hoạt động chuyên môn không ngừng được nâng cao, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện tăng lên hàng năm, ngày điều trị trung bình giảm. Đến nay, bệnh viện có thể thực hiện được các kỹ thuật của tuyến Trung ương trong một số chuyên ngành: Tim mạch can thiệp, điều trị đột quỵ não, chẩn đoán và điều trị ung bướu, huyết học và truyền máu, chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán sàng lọc sớm các dị tật bẩm sinh của thai nhi trong thời kỳ thai nghén, hỗ trợ điều trị sinh sản hiếm muộn, phẫu thuật nội soi lồng ngực. Lĩnh vực Nhi khoa đang đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong mổ tim, điều trị bệnh tim bẩm sinh; chăm sóc sơ sinh non tháng, sơ sinh có cân nặng thấp và cực thấp; chẩn đoán sàng lọc một số bệnh lý bẩm sinh di truyền tiến tới quản lý, tư vấn và điều trị, nâng cao chất lượng sống cho trẻ em. Lĩnh vực chấn thương sọ não, Bệnh viện đã ứng dụng mở rộng kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp, điều trị bệnh lý khớp và cột sống, phẫu thuật khối u sọ não, phẫu thuật chỉnh hình…
Bác sỹ Chuyên khoa II Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Để đạt được thành quả trên, Bệnh viện luôn nâng cao năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ, nâng cao khả năng tìm kiếm, lựa chọn hợp lý, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu kỹ thuật mới, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Các đơn vị, khoa, phòng luôn phát huy tính tự chủ, năng động sáng tạo, nên chất lượng chuyên môn của Bệnh viện ngày càng được nâng cao.
Anh Tùng