Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh: “…Tập trung xây dựng nền quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng các tiềm lực về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, quân sự, an ninh, đối ngoại trong khu vực phòng thủ vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và bảo đảm an ninh…”. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đề ra, cơ quan quân sự các cấp cần phải tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng những giải pháp đột phá, khả thi để tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trước hết ưu tiên về hướng biển.
Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km, vùng nội thủy tới 1.800 km2, tỷ lệ dân số làm nghề biển tương đối cao. Biển Ninh Thuận là kho tài nguyên, là vùng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh hướng biển. Thực tế những năm qua, hoạt động kinh tế biển, ven biển, xây dựng các công trình phòng thủ hướng biển ở địa phương còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng.
Dân quân biển huyện Ninh Hải huấn luyện bắn súng.
Để khai thác, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế biển mạnh mẽ, bền vững, làm cho kinh tế biển thực sự trở thành động lực; xây dựng các tiềm lực khu vực phòng thủ hướng biển vững chắc cần có những giải pháp ưu tiên, đầu tư, phát huy năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ kinh tế biển và quốc phòng, an ninh trên biển. Miền biển phải trở thành khu vực phát triển năng động, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dịch vụ cảng và vận tải biển, phát triển các đội tàu có công suất lớn, kết hợp hài hòa giữa du lịch, dịch vụ và quốc phòng, an ninh. Thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách; rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, chính sách liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp, liên kết, phát triển kinh tế bền vững kết hợp quốc phòng, an ninh vững chắc. Xây dựng hạ tầng bến cảng, nâng cấp, bảo dưỡng đường ven biển, chú trọng các tuyến đường quốc phòng. Có chính sách hợp lý, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân mua sắm, trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại, bảo đảm đi xa, đi lâu trên biển, vừa đáp ứng yêu cầu đánh bắt thủy sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các dự án ven biển phải được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thẩm định chặt chẽ bảo đảm các yếu tố về quốc phòng, an ninh. Dành nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trên các khu vực trọng yếu, tuyến biển. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân biển có số lượng hợp lý, có chất lượng cao, xây dựng lực lượng dân quân thường trực của các xã có biển vững mạnh. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển Ninh Thuận và các vùng biển Việt Nam.
Với sự quan tâm sâu sắc, toàn diện, đầy đủ của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương đối với sự phát triển kinh tế biển, gắn với việc xây dựng khu vực phòng thủ ưu tiên về hướng biển; với những giải pháp đột phá đã được xác định, những năm tới Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những địa phương mạnh về biển cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh.
Nhân Đức