Độc đáo gốm Chăm

Hàng ngàn con người ở làng Bàu Trúc gắn bó máu thịt với nghề làm gốm đã tạo nên diện mạo văn hoá độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm Việt Nam

(NTO) Trở lại làng gốm Bàu Trúc vào dịp kỷ niệm 36 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi gặp không khí lao động khẩn trương của làng nghề cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á. Dưới bóng mát hiên nhà, dưới tán cây cổ thụ thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ Chăm cần mẫn tạo hình cho sản phẩm gốm mỹ nghệ. Hàng ngàn con người gắn bó máu thịt với nghề làm gốm đã tạo nên diện mạo văn hoá độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm Việt Nam.

Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc chế tác sản phẩm gốm mỹ nghệ.

Làng gốm Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là Palay Hamuk) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Làng gốm nằm cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 10km về hướng Nam. Toàn làng có 445 hộ với 2887 nhân khẩu dân tộc Chăm gắn bó với nghề gốm truyền thống mẹ truyền con nối. Các cô gái đến tuổi plú- mơ- thun (tuổi trăng tròn) đều phải học nghề gốm. Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa được nhân dân duy trì cho đến ngày nay. Nghề làm gốm rất công phu. Đất sét được lấy từ cánh đồng Bàu Trúc đưa về đập nhỏ. Trước khi nặn gốm, người thợ phải đào hố ủ đất qua một đêm với lượng nước vừa phải. Sáng hôm sau, đem đất đã ủ trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Họ đi vòng quanh bệ gốm để chế tác sản phẩm. Có lẽ Bàu Trúc là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung độc đáo.

Sau khi tạo dáng, gốm thô được đưa ra phơi nắng 4-6 giờ rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre làm láng. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian năm, mười ngày mới đưa ra nung chín, lò nung lộ thiên. Sản phẩm gốm được xếp đan xen với rơm và củi khô. Thời gian đốt 4-5 giờ là gốm chín có sắc đỏ tươi nguyên của màu đất được tôi luyện qua lửa. Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường và theo “đơn đặt hàng” của khách hàng. Từ gốm mỹ nghệ như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy đến các vật dụng gốm cần thiết cho đời sống thường ngày của cư dân phương Nam như ấm đất, khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, lu đựng nước, nồi đất, lò đun than củi. Các nghệ nhân Đàng Thị Phan, Đàng Thị Lực, Đàng Thị Triều, Đàng Xem, Vạn Quan Phú Đoan…góp phần quan trọng xây dựng và phát triển thương hiệu Gốm Chăm Bàu Trúc.

Gốm mỹ nghệ Bàu Trúc thu hút du khách đến mua làm quà lưu niệm.

Nhà nước vừa đầu tư 7,5 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng gốm như điện, đường, nhà trưng bày, dạy nghề làm gốm tạo động lực phát triển nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đang chung tay xây dựng thương hiệu tạo nên sức bật mới cho làng nghề truyền thống độc đáo trong cộng đồng dân tộc Việt.