Cả nước hướng về miền Trung ruột thịt

Từ đầu tháng 10 đến nay, đồng bào miền Trung đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương, mất mát do bão chồng bão, lũ chồng lũ. Nhưng cũng trong những ngày cam go ấy, một lần nữa, tinh thần đoàn kết, nhân ái của dân tộc ta lại tỏa sáng, tiếp sức động viên người dân vùng lũ vượt lên khó khăn, hoạn nạn.

 Nhói lòng “khúc ruột miền Trung”

Trong vòng hai thập kỷ gần đây, chưa bao giờ người dân miền Trung gặp phải thiên tai lịch sử với “lũ chồng lũ, bão chồng bão” như những ngày tháng 10 của năm 2020. Chỉ trong vòng 30 ngày từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, miền Trung hứng chịu liên tiếp “tổ hợp” thiên tai với nhiều loại hình: Bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất với mức độ khốc liệt được ví với trận lũ năm 1999 (khi đó làm 818 người thiệt mạng). Có tới 5 cơn bão và các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 con sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 con sông vượt mức lũ lịch sử. Lượng mưa phổ biến từ 1.000 đến 2.000 mm, nhiều nơi mưa trên 3.000 mm.

Theo thống kê đã có 235 người chết và mất tích (riêng bão số 9 là 80 người). Hơn 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (riêng bão số 9 là trên 177.000 ngôi nhà). Về giao thông, hơn 1,8 triệu m3 đất, đá sạt lở, gây chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Sơ bộ ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng (chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển và bị hư hỏng, sạt lở).

Đặc biệt, mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thật xót xa trước hình ảnh những cánh tay kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi giữa bốn bề nước, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già, em nhỏ, những tiếng khóc nghẹn của những gia đình mất người thân do chìm trong lũ dữ hay vùi sâu trong bùn đất. Và còn hàng trăm, hàng nghìn nỗi đau, sự lo lắng về cuộc mưu sinh khi nước rút như sinh hoạt, sản xuất, học tập... khi tất cả tài sản, tư liệu sản xuất đã trôi theo dòng nước lũ.

Cùng nhau vượt qua hoạn nạn

Trong lúc khó khăn này, đồng bào cả nước đã có nhiều hành động cụ thể để khẳng định miền Trung chưa bao giờ đơn độc. Hướng về miền Trung đã trở thành “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi người dân Việt. Tình dân tộc-nghĩa đồng bào trong năm 2020 đầy biến động một lần nữa lại tỏa sáng sau dịch COVID-19. Các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng Nhân dân cả nước đã hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung ruột thịt thông qua nhiều chương trình, hành động quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần. Không tiếng gọi nào được nghe nhanh và được đáp trả nhanh hơn tiếng kêu cứu của bà con từ vùng lũ.

Xe chở hàng cứu trợ đi Miền Trung ruột thịt qua đoạn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

Ngay khi mưa bão xuất hiện, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo và tổ chức triển khai rất nhanh, rất trách nhiệm, với sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ với nhân người dân, những người vốn đã vất vả “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Nhiều cuộc họp trực tuyến được gấp rút tổ chức, nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo được xây dựng và phát hành qua hệ thống Chính phủ điện tử đến tận cấp cơ sở. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; Ban Chỉ đạo Trung ương đã có 19 công điện chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống bão lũ.

Không chỉ ra liên tiếp ra các quyết sách hỗ trợ bổ sung gạo, tiền cho các tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng còn trực tiếp đến các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân vùng lũ. Lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... và lãnh đạo các tỉnh miền Trung bị lụt bão cũng đã đích thân đến thị sát, trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác cứu hộ, cứu nạn ở những địa điểm sạt lở...

Xót xa "khúc ruột miền Trung", những ngày qua, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương tới địa phương. Chưa bao giờ, qua một buổi tối (của Chương trình vì người nghèo, tối 17-10, do Mặt trận Tổ quốc tổ chức), số tiền quyên góp lên tới 2.400 tỷ đồng.

Bất chấp trời mưa to, nước lũ dâng cao, những đoàn xe cứu trợ với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Thương về miền Trung”… vẫn nối đuôi nhau đến với bà con vùng lũ. Những chuyến xe đầy ắp hàng cứu trợ, gửi trọn tình cảm, tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước hướng về dải đất hẹp nhiều thương đau. Từ cán bộ lãnh đạo, các văn nghệ sĩ, doanh nhân đến nhưng người lao động, tiểu thương, công nhân viên chức bình thường, tất cả đều chung một tấm lòng, chung một nghĩa cử: làm thế nào để cùng san sẻ khó khăn với “khúc ruột miền Trung”. Không ít em học sinh đã nhịn ăn để góp số tiền nhỏ bé gửi đến đồng bào bị mưa lũ; hàng vạn công nhân viên chức góp ngày lương, ngày công lao động để san sẻ khó khăn; nhiều nhóm bạn trẻ, nhóm thiện nguyện ở các thành phố đã kêu gọi ủng hộ và lao nhanh vào tâm lũ với hàng trăm thùng mì, chai nước, hộp sữa. Người dân ở nhiều nơi thức trắng đêm nấu cơm, gói bánh chưng... gửi tới đồng bào đang bị bão lũ cô lập...

Đó còn là tình làng nghĩa xóm giữa bà con trong vùng lũ cưu mang giúp đỡ nhau; là sự ứng cứu nhân dân quên mình của hàng nghìn chiến sỹ khi lao mình vào dòng nước lũ. Và thật xúc động khi mới đây tại Quảng Nam, hàng nghìn người dân, chiến sĩ trèo đèo cõng gạo, gùi nước cho bà con bị cô lập bởi mưa lũ, trong khi hàng nghìn người khác cùng nhau nối cầu, dọn đường... để xe có thể chở lương thực tiếp tế đến bà con.

Có thể nói, từ chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nghĩa cử thiện nguyện của các tầng lớp Nhân dân đều thấm đẫm tình người. Truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta đang được thắp sáng hơn bao giờ hết, góp phần động viên, tiếp sức “khúc ruột miền Trung” vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Theo TTXVN