Trước khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc, anh Vé có gần 5 năm giữ chức vụ Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái, đây là huyện miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, có trên 86% dân số đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Trong quá trình công tác ở đây, từ việc theo dõi, nắm bắt địa bàn, anh nhận thấy chất lượng tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn chưa đồng đều, dư nợ TDCS còn thấp, hộ vay chưa mạnh dạn vay vốn sản xuất, một số hộ sau khi vay vốn chưa thực hiện nghiêm túc việc trả nợ gốc và lãi theo quy định, nợ xấu có chiều hướng phát sinh tăng… Xuất phát từ thực trạng nêu trên, là người đứng đầu Phòng giao dịch, bản thân anh Vé chủ động xây dựng kế hoạch, bám sát chủ trương, định hướng hoạt động chuyên môn của ngành; trên cơ sở đó, tập trung nghiên cứu, triển khai các giải pháp với quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu được giao.
Anh Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc
thường xuyên thăm hỏi tình hình sản xuất, động viên hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích.
Một trong những việc làm được lãnh đạo NHCSXH cấp trên ghi nhận và đánh giá cao chính là việc anh chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội; phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội huyện, xã thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác theo văn bản đã ký kết, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; thường xuyên kiểm tra và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường chỉ đạo cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, phân tích và xử lý nợ đến hạn. Đặc biệt, trong những năm công tác, anh Vé đã có nhiều sáng kiến, giải pháp mới phù hợp với thực tế cơ sở, đưa hoạt động TDCS tại huyện Bác Ái ngày càng đi vào chiều sâu. Trong giai đoạn từ 2015 đến tháng 3-2020, nguồn vốn TDCS đã giúp cho 11.074 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm, lắp đặt nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp chuẩn; với tổng doanh số cho vay đạt trên 291,5 tỷ đồng; tỷ lệ thu lãi hằng năm đạt trên 100% kế hoạch, nợ khoanh giảm còn 0,31%, nợ quá hạn về 0% từ tháng 6-2017 và duy trì đến nay; chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch xã đều được nâng cao…
Từ tháng 4-2020, sau khi được điều động về công tác tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc, anh Vé tiếp tục phát huy tinh thần nhiệt huyết, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, anh không quản ngại khó khăn, thường xuyên cùng với cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình đời sống người dân, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng; đồng thời, định hướng hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả. Chính sự tận tâm trong công việc, anh luôn được nhiều người tin tưởng, quý mến; được xem là tấm gương sáng, khích lệ tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, viên chức trong Phòng giao dịch nỗ lực hết mình vì cuộc sống người nghèo. Chia sẻ với chúng tôi, anh Châu Văn Vé, cho biết: Cùng với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị đã tạo động lực giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, quyết tâm thực hiện đảm bảo mục tiêu vì an sinh xã hội, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Với những hoạt động tích cực của mình, anh Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích đóng góp trong sự nghiệp phát triển của NHCSXH và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hồng Lâm