Mô tả cây
Màn kinh tử là một cây nhỏ hay nhỡ, mùi thơm, có thể cao tới 3m. Cành non có 4 cạnh, có lông mềm bao phủ. Lá kép và thường gồm 3 lá chét. Có thứ chỉ có 1 lá chét. Trên cùng một cành nhiều khi phía trên hay phía dưới có lá đơn, chỉ gồm một lá chét. Cuống gầy hơi tròn có lông, dài 1-3cm, lá chét không cuống, phiến lá chét hình trứng ngược hay hình mác, dài 2,45-9cm, rộng 1-3cm, phía dưới hẹp lại. Mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông trắng. Những lá chét hai bên nhỏ hơn, gân không nổi rõ. Hoa màu lơ nhạt, dài 13-14mm, mọc thành chùy xim ở đầu cành, nhiều khi phía dưới có lá. Quả hình bầu dục có rãnh, đầu hơi dẹt, rộng chừng 6mm, được che kín quá nửa bởi đài phát triển và tồn tại.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ, màn kinh tử vị cay, đắng, tính hơi hàn, vào 3 kinh can, phế và bàng quang. Có tác dụng tán phong nhiệt. Dùng chữa đầu nhức, mắt hoa, mắt đau.
Hiện nay, màn kinh tử là một vị thuốc có tác dụng chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, nhức bên thái dương, đau nhức trong mắt, mặt mũi tối tăm, còn có tác dụng giảm đau.
Ngày uống 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc với liều 2-3g dưới dạng thuốc bột.
Đơn thuốc có màn kinh tử dùng trong nhân dân
1. Chữa thiên đầu thống: Màn kinh tử 10g, cam cúc hoa 8g, xuyên khung 4g, tế tân 3g, cam thảo 4g, bạch chỉ 3g, nước 600ml. Sắc đặc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày (Diệp Quyết Tuyền).
Đơn thuốc chỉ có một vị màn kinh tử:
Màn kinh tử 80g, rượu uống 30-400 một lít. Ngâm khoảng 10 ngày trở lên. Ngày uống 2 lần mỗi lần 10-15ml.
2. Bài thuốc làm cho tóc đen và dài: Màn kinh tử và hung chi (mỡ gấu) hai vị bằng nhau, trộn với dấm thanh để bôi vào tóc (theo sách cổ Thánh huệ phương ghi lại trong Bản thảo cương mục).
3. Sưng vú: Khi mới bị, dùng màn kinh tử sao dòn, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g hòa với rượu, gạn lấy rượu uống còn bã đắp lên vú (Theo Đặc huệ phương ghi lại trong Bản thảo cương mục).
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)