Thực hiện Công điện số 3855/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với bão số 9, huyện Ninh Hải chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống trên địa bàn huyện. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, UBND huyện Ninh Hải yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị tổ chức kiểm tra những nơi xung yếu, thông báo kịp thời đến người dân biết để chủ động ứng phó; các Đồn Biên phòng nắm bắt số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản tại địa phương, kiên quyết không để người dân lưu trú trên các lồng bè khi có bão; liên lạc với các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển để có phương án neo đậu, tránh trú bão an toàn. Các xã, thị trấn cần rà soát lại số hộ dân sống tại vùng sạt lở, ven biển, có phương án di dời khi có diễn biến phức tạp của bão xảy ra. Ngoài ra, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện, xã phân công trực 24/24, cập nhật những thông tin mới nhất để tổ chức thực hiện cũng như khi có lệnh tổ chức di dời dân những nơi xung yếu đến nơi an toàn. Đến thời điểm này, huyện Ninh Hải có 112 lồng bè nuôi trên biển và 347 bè tại khu vực Đầm Nại; đã liên lạc với 69 tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Ninh Thuận và 7 tàu đang hoạt động ngoài địa bàn tỉnh.
Tàu thuyền neo đậu tại khu vực Đầm Nại (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình
Để ứng phó với bão số 9, huyện Thuận Nam gấp rút huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với bão, phòng tránh lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển... tập trung mọi lực lượng, phương tiện, nhất là thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng”, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Theo đó, đối với tuyến biển, Đồn Biên phòng Phước Diêm phối hợp với UBND các xã ven biển nắm chắc số lượng tàu thuyền của huyện đang hoạt động trên biển để thông báo, kêu gọi về nơi tránh trú an toàn, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven bờ để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Cụ thể, tổng số tàu thuyền trên địa bàn huyện Thuận Nam là 1.040 chiếc/7.030 lao động. Số tàu đang neo đậu tại cảng Phước Dinh và Cà Ná là 676 chiếc/3.244 lao động, số còn lại là 357 chiếc/3.481 lao động neo đậu ngoài tỉnh đã liên lạc được, tàu thuyền neo đậu tại cảng trong tỉnh 66 chiếc/696 lao động. Bên cạnh đó, UBND các xã Phước Diêm, Cà Ná, Phước Dinh khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nhà ở, số hộ dân sinh sống ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở do bão lũ, triều cường để tuyên truyền, vận động và chủ động có phương án hỗ trợ Nhân dân chằng chống nhà cửa, cũng như sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ. Đồng thời khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa,... trên địa bàn, đặc biệt là khu nuôi trồng thủy sản. Đã tổ chức tuyên truyền, vận động 18 chủ bè/254 lồng/40 lao động chủ động di chuyển về nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra; kiên quyết di chuyển người ra khỏi lồng bè, phương tiện thủy nội địa trước 17 giờ ngày 27-10-2020. Về tuyến đất liền, các địa phương có khu vực, địa bàn mục tiêu trọng điểm cần ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi lũ, bão xảy ra đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán theo phương án đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt; trên nguyên tắc sơ tán ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn và gần nhất trong khu vực, dự kiến số lượng sơ tán gần 1.000 hộ với hơn 5.000 người dân…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong phòng, chống bão số 9, sáng ngày 27-10, các địa phương ven biển như phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), các xã ven biển huyện Ninh Hải đã khẩn trưởng chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời thông tin cho tàu thuyền khẩn trương di chuyển vào bờ, tìm nơi tránh trú an toàn. Theo ghi nhận của phóng viên tại cảng Ninh Chữ (Ninh Hải) và cảng Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trưa 27-10, đã có lượng lớn tàu thuyền cập cảng neo đậu để tránh bão. Theo Đại úy Ngô Quý Bắc, Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Đông Hải cho biết, tính đến 11 giờ sáng 27-10, đã có 781 phương tiện tàu cá với 4.390 lao động đã vào neo đậu an toàn tại cảng Ninh Chữ và Đông Hải. Trong đó, có một số tàu cá ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định. Ngoài ra, lực lượng biên phòng cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương chủ động liên lạc với các bè nuôi thủy sản tại các khu vực Khánh Giang (Ninh Hải), Tây Giang, Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) để thông tin, vận động ngư dân gia cố 141 bè, với gần 2.600 lồng nuôi thủy sản để đề phòng thiệt hại.
Nhóm PV