Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của người cao tuổi

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi tổ chức Chương trình phát động "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2020".

Tham dự và phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì người cao tuổi để nhắc nhở toàn xã hội chú ý chăm sóc người cao tuổi và quan trọng hơn là phát huy vai trò của người cao tuổi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Đình Nam/baochinhphu.vn

Chia sẻ thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, đây thành quả của cả hệ thống, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó không thể không kể đến những hình ảnh vô cùng cảm động của người cao tuổi.

Theo Phó Thủ tướng, các cụ, các bác không chỉ mang gạo, mang rau, ủng hộ tiền bạc cho lực lượng chống dịch, mà còn tham gia các tổ cộng đồng phòng, chống COVID-19 "đi từng ngõ, gõ từng nhà", không quản đêm khuya, mưa gió. Người cao tuổi không chỉ là tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần cho con cháu, mà thực sự đóng góp trực tiếp vào nhiều hoạt động như khuyến học, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế… Đây là truyền thống rất đáng quý của dân tộc.

Nhấn mạnh mục tiêu người cao tuổi phải sống lâu, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết, cần quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, bởi theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết năm 2019, 54% người cao tuổi có bệnh cao huyết áp, 42% có bệnh xương khớp, 20% có bệnh về phổi, 18% có bệnh liên quan đến tiêu hóa…

"Bên cạnh việc xây dựng bệnh viện lão khoa, các cơ sở chăm sóc y tế cho người cao tuổi, ngành Y tế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như khám chữa bệnh từ xa, kết nối toàn bộ các trạm y tế, sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm y tế... để có thể chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngay tại nơi cư trú", Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng chia sẻ, dù đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội… được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, nhưng do chiến tranh, xuất phát điểm thấp, nên Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình, một bộ phận người dân còn rất nghèo. Tuy nhiên, người dân cả nước luôn dành thành quả phát triển cho những vùng miền còn khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người cao tuổi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Người cao tuổi Việt Nam là lớp người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiều người đã hy sinh một phần xương máu trong hai cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Người cao tuổi có kinh nghiệm sống, có uy tín trong gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội; đóng góp thiết thực trong việc giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Năm 2020 là năm thứ 6 thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Tháng hành động vì người cao tuổi". Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng xã hội và vai trò nòng cốt của các cấp Hội Người cao tuổi, "Tháng hành động vì người cao tuổi" đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Tuy chủ đề từng năm có khác nhau, nhưng "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam" luôn bám sát 4 nội dung trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi. Thông qua "Tháng hành động vì người cao tuổi" đã giúp người dân cả nước hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn ý nghĩa của việc chăm sóc người cao tuổi. Từ năm 2015 đến 2019, Hội đã vận động được 841,7 tỷ đồng, bình quân mỗi năm vận động được 170 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 2 triệu người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, cả nước đã có 106 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa, gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho người cao tuổi; hơn 10 nghìn giường điều trị nội trú. 1,9 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe. 96% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám, chữa bệnh cho người từ 80 tuổi trở lên. Một số địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi...

Theo TTXVN/Báo Tin tức