Lý do là các đợt tuyển bổ sung sẽ không có một cơ sở dữ liệu chung như ở đợt 1, trong khi các trường lại đưa ra các thời hạn và yêu cầu khác nhau.
Bộ GD&ĐT lưu ý các thí sinh các đợt tuyển bổ sung sẽ không có một cơ sở dữ liệu chung như ở đợt 1. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Thí sinh có thể căn cứ vào các thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường). Thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong toàn hệ thống có gần 50% trường/ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu, song mức độ thừa thiếu giữa các ngành của các trường là khác nhau. Thí sinh cần tìm hiểu, tính toán, cân nhắc thật kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Ngoài ra, thí sinh còn có thể cân nhắc cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Các em lưu ý cân nhắc các điều kiện về ngoại ngữ, mức học phí khi tham gia xét tuyển vào các chương trình này.
Theo Bộ GD&ĐT, sau đợt xét tuyển đại học sử dụng kết quả thi THPT đợt 1, các trường còn tuyển thiếu chỉ tiêu có thể xem xét tuyển bổ sung từ sau ngày 14/10 cho đến hết năm 2020. Thông tin về xét tuyển bổ sung có thể được công bố sớm hơn để thí sinh có thông tin và chuẩn bị hồ sơ phù hợp. Các trường nếu tổ chức xét tuyển bổ sung cần công bố các thông tin về chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển. Sau khi xét tuyển thành công công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT. Các trường có thể xét tuyển bổ sung sử dụng kết quả thi THPT hoặc sử dụng các phương thức khác, hoặc kết hợp với nhau. Các trường cũng cần lưu ý, sau khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký thì mới thực hiện xét tuyển để đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức