Đối với công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, đáng chú ý là Sở đã theo dõi, quản lý đúng quy định đối với 6 nhiệm vụ; trong đó, 5 nhiệm vụ chuyển tiếp và 1 nhiệm vụ triển khai mới. Đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu 1 đề tài, kết quả Hội đồng thống nhất kiến nghị Bộ KH&CN xem xét, nghiệm thu chính thức. Phối hợp cùng Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi (Bộ KH&CN) kiểm tra tiến độ 3 dự án, tham mưu UBND tỉnh đặt hàng Bộ KH&CN 2 nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Các dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ xây dựng mô hình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa”; “Xây dựng và triển khai mô hình trồng rau an toàn bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng quy mô lớn” áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Máy rửa tay sát khuẩn và kiểm tra thân nhiệt phòng, chống dịch COVID-19 do em Võ Thanh Minh Nhật,
Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) sáng chế áp dụng vào cuộc sống có hiệu quả.
Cùng với đó, Sở KH&CN cũng làm tốt công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Cụ thể, tiếp tục tổ chức theo dõi, quản lý đúng quy định đối với 22 nhiệm vụ; trong đó, 17 nhiệm vụ chuyển tiếp và 5 nhiệm vụ triển khai mới. Thường xuyên kiểm tra tình hình triển khai thực hiện đối với tất cả nhiệm vụ KH&CN đang tiến hành, đến kỳ cấp kinh phí, qua kiểm tra cho thấy các nhiệm vụ KH&CN đều bám sát nội dung được phê duyệt. Tổ chức nghiệm thu 6 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, kết quả được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu. Tổ chức bàn giao sản phẩm, kết quả nghiên cứu của 11 đề tài KH&CN cấp tỉnh cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện đặt hàng nghiên cứu để ứng dụng trong thực tiễn.
Trong 9 tháng qua, Sở KH&CN đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết hợp đồng triển khai 14 dự án hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại 6 hợp tác xã và 8 tổ hợp tác của 5 huyện, thành phố trong tỉnh; tổ chức 5 lớp tập huấn liên quan đến các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù cho các đối tượng là cán bộ phụ trách ở một số sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác trong tỉnh. Cử cán bộ tham gia lớp tập huấn về OCOP, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN đi vào thực chất, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Sở KH&CN đã tham mưu lập Hội đồng thẩm định nội dung, kinh phí và thống nhất hỗ trợ 11 lượt cá nhân, doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, đăng ký mã số, mã vạch, đổi mới công nghệ. Đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nhiệm vụ thuộc dự án “Thúc đẩy các hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình Năng suất chất lượng quốc gia, kết quả đã đăng ký cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt thực hiện mô hình Nhóm huấn luyện (TWI).
Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Bám sát các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ KH&CN giao, trong 3 tháng cuối năm 2020, đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu Quy định chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 để trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm thông qua. Đẩy mạnh triển khai chuyển giao, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN có hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Ban Phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh theo kế hoạch.
Anh Tùng