Lợi ích lớn
Việc mang và sử dụng điện thoại ở trường học Mỹ không bị cấm theo quy định của chính quyền liên bang, với lý do nhiều trường học tin rằng điện thoại sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cho việc học tập. Học sinh Trung Quốc cũng hầu như được phép sử dụng điện thoại ở trường học, với gần 70% số học sinh tiểu học và trung học cơ sở sở hữu điện thoại thông minh.
Trong khi đó tại Nhật Bản, theo chính sách mới nhất được thông qua vào tháng 7-2020, học sinh Nhật Bản từ cấp 2 sẽ được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp. Với quy định này, học sinh sẽ được mang điện thoại từ nhà đến trường để phòng tránh trường hợp nguy hiểm. Sau khi tới trường, các em sẽ được yêu cầu cất điện thoại vào những tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.
Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh đối với các em học sinh thời nay. Trước hết, điện thoại chính là công cụ để duy trì mối liên hệ giữa phụ huynh và học sinh. Có điện thoại để liên lạc, các bậc cha mẹ sẽ bớt lo lắng về những bất trắc ngoài xã hội (con cái bị tai nạn, trấn lột, cướp…) cũng như giảm mối lo về việc con cái đi đâu, làm gì sau tan học. Thứ hai là điện thoại bây giờ không chỉ sử dụng để nghe và gọi mà còn là một công cụ giáo dục hữu hiệu. Bằng việc kết nối Internet, điện thoại là nơi cung cấp kho tàng kiến thức vô tận. Với điện thoại thông minh, học sinh trên toàn thế giới có khả năng tiếp cận rất nhiều nguồn kiến thức khác nhau bổ sung cho kiến thức mà giáo viên và sách giáo khoa cung cấp, giúp cho việc học tập trở nên hiệu quả hơn.
Tác hại nhiều
Tại Anh vào năm 2001, không trường học nào cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường. Đến năm 2007, 50% số trường ban hành quy định cấm hoặc yêu cầu học sinh giao nộp điện thoại trước khi vào học và năm 2012, tỷ lệ này lên đến 98%. Các trường học ở Australia cũng khuyến khích học sinh không nên sử dụng điện thoại trong giờ học. Kể từ năm học 2020, chính phủ Australia yêu cầu các trường công lập cấm học sinh sử dụng điện thoại và đồng hồ thông minh từ khi đến trường cho đến khi rời khỏi trường vào cuối ngày. Học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 6) sẽ bị cấm hoàn toàn việc mang điện thoại tới trường học, nếu lỡ mang đi sẽ phải giao nộp cho giáo viên trước khi vào lớp. Học sinh trung học (từ lớp 7 đến lớp 12) sẽ được phép cầm điện thoại theo người, tuy nhiên sẽ phải tắt nguồn và không được sử dụng trong khi học. Tại Hàn Quốc, kể từ năm 2012, toàn bộ học sinh Hàn Quốc bị cấm mang điện thoại đến trường, trừ những trường hợp cụ thể như đi dã ngoại hay hoạt động ngoại khóa ngoài trời. Quyết định này được đưa ra sau nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gần 20% giới trẻ Hàn Quốc bị nghiện điện thoại thông minh hoặc mạng Internet.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học toàn cầu chỉ ra rằng, phần lớn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ lên lớp không phải để học mà để gửi tin nhắn cũng như đăng các dòng trạng thái lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng học tập của học sinh. Thực tế cho thấy học sinh có kết quả học tập cao hơn khi nhà trường cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Ước chừng, hiệu quả của việc không sử dụng điện thoại ngang với việc học sinh giành thêm một tuần đi học trong mỗi năm học, với việc điểm thi tăng khoảng 6,4% so với khi sử dụng điện thoại trong giờ học.
Hiểu sao cho đúng?
Nhiều ý kiến cho rằng việc cho học sinh mang điện thoại đến trường là cần thiết để cha mẹ có thể liên lạc khi cần. Sử dụng hiệu quả công nghệ cũng có thể giúp các em học tốt hơn, vì vậy, điều cần làm là hướng dẫn học sinh dùng điện thoại cho đúng cách thay vì cấm đoán.
Theo các nhà phân tích, thay vì cấm thì nên dạy học sinh cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm bởi điện thoại thông minh là một công cụ giáo dục thuận tiện cung cấp các nguồn tài nguyên học tập phong phú, hữu ích cho các em. Các thầy cô giáo và cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc đồng hành giúp các em học sinh sử dụng điện thoại Đúng và Đủ.
Đúng ở đây là đúng mục đích sử dụng. Trẻ tiểu học dùng điện thoại để cha mẹ có thể liên lạc được để đảm bảo an toàn cho trẻ. Các em cũng có thể tham gia vào một số hoạt động học tập như học trực tuyến, tra cứu một số thông tin… Học sinh ở độ tuổi lớn hơn sử dụng điện thoại vào cả các mục đích nghiên cứu, học trực tuyến, sử dụng mạng xã hội, giải trí... dưới sự hướng dẫn của thầy cô và cha mẹ. Các em cần được trang bị những kỹ năng phòng chống rủi ro, giữ cho bản thân được an toàn như không cung cấp thông tin cho người lạ, biết chặn tin nhắn rác, không xem các trang có nội dung không phù hợp. Và Đủ là thời lượng và thời điểm sử dụng điện thoại trong lớp học. Các em học sinh chỉ nên được phép dùng điện thoại vào một số tiết học nhằm mục tiêu tra cứu, mở rộng kiến thức phục vụ môn học với khoảng thời gian nhất định. Có như vậy việc sử dụng điện thoại trong trường học mới trở nên hợp lý, tránh gây tranh cãi trong dư luận.
Theo TTXVN