Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, nhất là thực hiện Nghị quyết số 12- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2016-2020”, Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Sơn đã xây dựng Chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giai đoạn 2016-2020”.
Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tại khu vực miền núi Ninh Sơn.
Ninh Sơn là huyện miền núi, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm thị trấn và 7 xã, với 61 thôn, khu phố; trong đó, có 7 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, với 18 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 22.469 hộ/86.982 nhân khẩu, trong đó có trên 23% dân số là đồng bào DTTS. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Ninh Sơn đã triển khai kịp thời các chương trình, chính sách; tập trung các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, huyện đã huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 49,5 tỷ đồng, để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi bộ mặt miền núi; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, các xã miền núi được đầu tư khá hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số thôn có lưới điện quốc gia và có gần 100% số hộ có điện thắp sáng; trên 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, đồng bào vùng miền núi đã thâm canh, tăng vụ, chuyến đối đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như cây mía, mì, bắp...; khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái; mô hình “3 giảm 3 tăng” trên cây lúa... Nhiều dự án triển khai có triển vọng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống người dân như: Dự án trồng lan cấy mô trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp tư nhân phối hợp địa phương thực hiện tại xã Quảng Sơn, xã Lâm Sơn, với quy mô 2,6 ha; bưởi da xanh, với diện tích 6,02ha/17 hộ; mô hình phát triển chăn nuôi; mô hình phát triển vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế; mô hình đầu tư canh tác, sử dụng tiết kiệm nước; mô hình trồng rừng phòng hộ xen cây ăn quả… Việc giao rừng khoán quản cho đồng bào DTTS, miền núi được đẩy mạnh, giúp các hộ dân có thêm thu nhập gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, 7/7 xã vùng đồng bào DTTS miền núi của huyện đạt chuẩn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tiểu học đúng độ tuổi; có nhiều con em người DTTS đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn cho biết: Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung điều kiện kinh tế ở vùng đồng bào các dân tộc miền núi Ninh Sơn phát triển còn chậm và chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại vùng miền núi vẫn còn cao; đời sống của đồng bào nhìn chung vẫn còn thấp. Mặt khác, điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bào dân tộc miền núi ít thuận lợi, diện tích canh tác không nhiều, chủ yếu đồi núi, thường khô hạn, thiếu nước vào mùa khô. Việc nhân rộng các mô hình, huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân còn hạn chế là những thách thức đòi hòi công tác dân vận trong thời gian tới phải tiếp tục đổi mới và nỗ lực hơn nữa; nhất là phải kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nhằm phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Để công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, Huyện ủy Ninh Sơn xác định cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Phổ biến sâu rộng, triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi. Tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án; kịp thời giải quyết những khó khăn bức xúc của đồng bào vùng dân tộc miền núi. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS cho từng xã. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc miền núi làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở. Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc miền núi trong tình hình mới. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia với các ban, ngành, địa phương triển khai, thực hiện công tác dân vận, dân tộc, chính sách dân tộc.
Anh Tuấn