Hạnh phúc của nhân dân - Điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở và hiện nay đang lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Mỗi đại hội của Đảng đều có một số điểm nhấn, tạo ấn tượng sâu đậm trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội.

Điểm nhấn của Đại hội VI là đại hội đổi mới; Đại hội VII đề ra Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội VIII đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đại hội IX xác định mô hình kinh tế tổng quát của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi nước ta cùng nhân loại bước sang thế kỷ XXI; Đại hội X tổng kết 20 năm đổi mới, xác định mục tiêu đưa đất nước sớm ra khỏi tình trạng nước kém phát triển; Đại hội XI ban hành Cương lĩnh bổ sung, phát triển và quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế; Đại hội XII đề ra chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phát biểu kết luận cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 11/9/2020. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, các điểm mới lần này xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay xuất hiện nhiều cái mới mà chúng ta phải vươn lên để tiếp cận. Chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, bài học sau 35 năm đổi mới; tiếp cận được với xu thế phát triển của thế giới và tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia. "Cái mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này không phải mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, từ tầm bao quát", Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Đậm tính nhân văn - Vì "Hạnh phúc" của nhân dân

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú cho biết: Lần này văn kiện không chỉ đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII, mà đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Mục tiêu định hướng không chỉ 5 năm, 10 năm, mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Như thế, tầm bao quát rộng hơn nhiều. Đây là một bản văn kiện có nhiều điểm mới về tư tưởng và có cả một hệ quan điểm chỉ đạo.

Một điểm mới nữa là trong việc xác định mục tiêu, dự thảo văn kiện vừa kế thừa cách tiếp cận truyền thống, vừa tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều có nhiều điểm mới trong việc xác định đột phá chiến lược.

Dự thảo lần này có nhấn mạnh đến "khát vọng phát triển đất nước", Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú đánh giá: "Đây là một yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào? Lúc đầu nhiều người nghĩ là "xây dựng một nước Việt Nam hùng cường". Việc này cũng đúng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc toàn diện, Tiểu ban văn kiện mới đây đã báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân, ông Phùng Hữu Phú cho biết.

"Qua dịch COVID-19 chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc"- ông Phùng Hữu Phú nói và khẳng định: Hạnh phúc là điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện lần này, tính con người, tính nhân văn đậm hơn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, điều cần thiết đối với người dân không chỉ là vật chất mà còn là nhu cầu văn hóa, tri thức. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Vì vậy, dự thảo văn kiện đặt vấn đề nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh là "rất cần thiết".

"Vừa qua, một tỉnh đã đưa tiêu chí hạnh phúc của người dân vào trong báo cáo chính trị, trong đó đo lường hạnh phúc thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền... Tôi cho đó là điểm mới độc đáo", Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú cho biết: Đại hội nào chúng ta cũng đặt nhân dân là chủ thể và đặc biệt coi trọng nhân dân. Nhưng đến Đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách, vai trò của nhân dân càng lớn. Do đó, chúng ta tiếp tục phát triển tư duy về nhân dân mà trước đây nói là cơ chế dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng lần này thêm "dân giám sát và dân thụ hưởng". Cái đó là quy luật, làm thì phải được hưởng. Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bây giờ chúng ta phải hoàn thiện điều này, ông Phùng Hữu Phú nêu quan điểm.

Cũng quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, lợi ích cá nhân luôn kích thích con người lao động, sáng tạo, nhưng nó chỉ trở thành động lực cho phát triển khi lợi ích cá nhân vận động cùng chiều với lợi ích quốc gia - dân tộc. Bảo đảm cho sự vận động cùng chiều giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia - dân tộc chính là các quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức - cốt lõi của văn hóa.

Hưởng thụ tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới

Xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, một yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta trong thời kỳ tới. Đây cũng là công việc phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận vừa khoa học, vừa rất thực tế, thận trọng nhưng phải sáng tạo, quyết liệt.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, công bằng xã hội chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, kích thức tính năng động, sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, huy động các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực trong và ngoài nước cho việc phát triển đất nước. Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh công bằng xã hội có 4 nguyên tắc: Bảo đảm quyền lợi; công bằng về cơ hội; phân phối theo sự công hiến và quan tâm đến người yếu thế.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu công bằng xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo hành lang pháp lý để kiến tạo mô hình hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột cơ bản (phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro) nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hiến định trong một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Mục tiêu phát triển bền vững để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải được thực hiện thông qua các giải pháp quản lý phát triển xã hội hiệu quả để giải quyết hài hòa quan hệ xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững, kiểm soát và xử lý rủi ro, bảo đảm người dân đều được tự do, bình đẳng cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, thực hiện công bằng xã hội phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo TTXVN/Báo Tin tức