Có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc COVID-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 24/9, thế giới ghi nhận hơn 32 triệu người mắc COVID-19, hơn 980 nghìn người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tuần qua, do dịch bệnh tăng nhanh, một số nước trên thế giới như Myanmar, Hàn Quốc, Iraq, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Ba Lan… đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa để phòng, chống dịch.
Hiện Việt Nam đã qua 22 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; 1.069 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 412 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước; 35 trường hợp tử vong là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng; 989 bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện và hiện còn 41 bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện nay, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thời gian tới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, vẫn có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án tổ chức cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 và cách ly theo dõi sức khỏe phù hợp đối với nhóm đối tượng nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K: Khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế.
Các kịch bản, phương án ứng phó thường xuyên được cập nhật, sẵn sàng; phù hợp, hiệu quả với tình huống dịch bệnh; phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp…; tăng cường khám bệnh, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị tuyến dưới khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, vắc-xin trong nước; chủ động tiếp cận nguồn vắc-xin phòng COVID-19 trên thế giới; tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế...
4 nhóm nguy cơ dịch bệnh
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; do đó, cần lưu ý bài học dịch bệnh quay trở lại sau khi nới lỏng giãn cách ở một số nước như Pháp, Indonesia, Phillipines, Myanmar…
Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, mùa đông đang đến gần; công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn hơn do virus SARS-CoV-2 phát triển ở điều kiện nhiệt độ thấp, khí hậu khô. Các chuyên gia cảnh báo tâm lý chủ quan, lơ là đã xuất hiện trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hơn 3 tuần liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Trên cơ sở nhận định diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước, các thành viên Ban Chỉ đạo xác định các nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, trích dẫn cảnh báo của chuyên gia quốc tế, các ý kiến cho rằng cần cảnh giác nguồn bệnh có sẵn trong cộng đồng cũng như một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Phân tích đợt chống dịch tại Đà Nẵng thời gian qua, các ý kiến cho rằng cần lưu ý bài học khi để dịch bệnh xâm nhập vào nơi “xung yếu của xung yếu” - các khoa có bệnh nhân nặng của bệnh viện. Khi dịch bệnh xuất hiện tại bệnh viện nhưng không phát hiện kịp thời do không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Khoảng 2 tuần sau đó mới phát hiện (khoảng từ 7/7 đến 23/7) khiến dịch lây nhanh trong các khoa bệnh nặng.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, quy định cách ly tại khách sạn thực hiện còn lỏng lẻo ở khâu đón người từ sân bay đến cơ sở cách ly. Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định các khách sạn đủ điều kiện làm cơ sở cách ly nhưng chưa có lực lượng cùng điều hành, kiểm tra, giám sát. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện cách ly, đặc biệt trong thời gian tới khi mở cửa các đường bay thương mại quốc tế.
Từ những nhận định nêu trên, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, chủ yếu trên đường bộ; quản lý chặt chẽ người nhập cảnh hợp pháp. Đặc biệt, các ý kiến thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó lưu ý thực hiện nghiêm khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh biện pháp mang tính khuyến nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh cần có quy định mang tính bắt buộc trong phòng, chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm.
Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế rà soát các hướng dẫn, quy trình phòng, chống dịch bệnh; chuyển thành danh sách đầu việc chi tiết (check-list) để hướng dẫn trên tinh thần “chi tiết đến tận từng cơ sở”. Để thực hiện việc này, người đứng đầu bệnh viện kiểm tra định kỳ việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; báo cáo trực tuyến, cập nhật lên “bản đồ chống dịch”. Đồng thời, Bộ Y tế khuyến nghị người dân chỉ nên khám, chữa bệnh tại những bệnh viện, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong các trường học thực hiện “check-list” phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn trong trường học; từ đó lan tỏa ra cộng đồng, đặc biệt trong các công sở, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh…; góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của từng người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết chặt việc thực hiện phân luồng trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể trường hợp xét nghiệm khi nghi mắc COVID-19.
Bộ Y tế tăng cường, đổi mới các phương án xét nghiệm; tăng cường năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.
Theo TTXVN/Báo Tin tức