Xu thế mới của người tiêu dùng
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra cho môi trường. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, người dân có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh lên mức khoảng 40 kg nhựa/người và là một trong bốn quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Số lượng bao bì nhựa và túi nilon sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ cũng tăng dần theo từng năm. Đặc biệt, rác thải nhựa có tính chất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Nhằm đảm bảo sức khoẻ và tránh những tác động gây ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhiều sáng chế vì môi trường ra đời đã và đang được người tiêu dùng yêu thích và đón nhận. Hàng loạt các sản phẩm tiện ích, thân thiện với môi trường, bằng các vật liệu thiên nhiên, như: bàn chải tre, ống hút inox, bình thủy tinh, bình nước gốc tre, ống hút gạo, ống hút tự hủy, ống hút sậy, ly giấy, ly sợi rơm, hộp xốp bằng bã mía hay các sản phẩm có thể tự phân huỷ… đang dần thay thế cho đồ nhựa dùng một lần.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, do người dân ngày càng ý thức được việc cấp thiết phải bảo vệ môi trường sống nên việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường có chiều hướng tăng mạnh. Người tiêu dùng đã sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”, như cho các sản phẩm túi rác bằng nhựa sinh học tự hủy, túi đựng thực phẩm tự hủy, bao tay sử dụng 1 lần tự hủy, ly giấy, dĩa giấy, ống hút giấy. Nhất là sau thời gian dịch COVID-19 xuất hiện, sức mua của khách đã tăng hơn khiến một số sản phẩm còn “cháy hàng”, sản xuất không kịp phân phối.
Nhiều nhà hàng, quán cafe đã sử dụng các sản phẩm ống hút bằng giấy mía thay vì sử dụng ống hút nhựa như trước. Có quán còn trưng bày và bán đồ thân thiện với môi trường ngay tại lối vào để khách hàng có thể nhìn thấy trước khi bước vào quán. Một số các siêu thị còn sử dụng lá chuối bọc sản phẩm tươi sống thay vì túi nylon; hay kẹp dây chuối, dây lạt để buộc rau; túi đựng đồ bằng vải…
Có thể thấy, việc xuất hiện nhiều sản phẩm tiện ích thân thiện với môi trường là một bước tiến tốt, thể hiện sự quan tâm và thay đổi thói quen trong sản xuất lẫn tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Còn nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường
Mặc dù các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được nhiều người tiêu dùng yêu thích và sử dụng nhưng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh và tiếp cận thị trường.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, cả nước có 25 doanh nghiệp sản xuất bao bì đã được cấp giấy chứng nhận thân thiện với môi trường. Nhưng không chỉ các doanh nghiệp sản xuất bao bì này mà nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường khác như: túi sinh học phân hủy hoàn toàn; ống hút, ly, cốc được làm từ tre, giấy, rơm, cói… vẫn còn là khái nhiệm khá mới mẻ với nhiều người tiêu dùng, nhất là những người không ở các thành phố lớn. Đại bộ phận người dân vẫn còn giữ thói quen sử dụng các sản phẩm tiện lợi, giá rẻ làm từ nhựa và túi nilon. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường gặp phải không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, ngay cả các công ty nhựa sinh học cũng loay hoay với bài toán tìm đầu ra cho doanh nghiệp. Mặc dù trong vài năm gần đây, thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm nhựa dán nhãn “tự hủy sinh học”, nhưng bản chất đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa - thành phần còn nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường. Thế nhưng người dân lại chưa có đủ thông tin và đã tin vào khả năng “vô hại” đối với môi trường của loại sản phẩm này. Trong khi đó, việc sản xuất loại sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế rất cao. Hiện tại, với nguyên vật liệu 100% nhập khẩu từ Đức, quy trình sản xuất nghiêm ngặt và đạt tiêu chuẩn sinh học phân hủy hoàn toàn (Ok Compost Home và Ok Compost Industrial), giá thành của các sản phẩm thân thiện với môi trường này khá cao so với những sản phẩm nhựa thông thường. Trong khi, thị trường lại tràn lan các sản phẩm nhựa dùng một lần thông thường, trôi nổi, được gắn mác sinh học để tránh thuế môi trường, có giá bán rẻ hơn rất nhiều nên sản phẩm sinh học rất khó cạnh tranh.
Không chỉ có vậy, tuy có ưu điểm thân thiện môi trường nhưng nhiều sản phẩm vẫn chưa thực sự thu hút được người tiêu dùng bởi còn nhiều nhược điểm kém hữu dụng, như các sản phẩm bằng giấy giá thành cao mà chỉ dùng được 1 lần, lại mềm nhanh khi gặp nước và đựng đồ nóng. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm cũng chưa được bán rộng rãi ở các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa… nên cũng là một trở ngại để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm mới.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khó khăn nhất mà các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường đang gặp phải là túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa đã đi sâu vào thói quen tiêu dùng của người dân, với giá thành rẻ và tiện lợi. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất cũng có tâm lý e ngại rằng, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, khi mà việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, vay vốn… để chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường; chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tiêu dùng chuyển đổi từ túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần sang túi nilon dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.
Từ thực tế trên có thể thấy, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm thân thiện với môi trường tiếp cận và phổ biến rộng rãi trên thị trường, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ và các cấp ngành để đưa vấn đề sử dụng tràn lan túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy vào luật định với chế tài nghiêm khắc, qua đó hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm này. Áp dụng chính sách thuế môi trường công bằng và triệt để đổi với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm nilon và nhựa dùng một lần thông thường. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa phong trào sử dụng thay thế các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon, để tạo điều kiện cho các sản phẩm thân thiện với môi trường phát triển.
Theo TTXVN