* Ngày 23-9, Tổ liên ngành gồm: Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Báo Ninh Thuận tổ chức cuộc họp để tổng hợp thông tin đã khảo sát thực tế tại 16 hộ thuộc đối tượng có công với cách mạng là hộ nghèo, cận nghèo, người già mất sức lao động ở thôn Sơn Hải 1 và thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Qua phân tích, đánh giá tình hình khảo sát thực tế từng hộ, hiện có 1 trường hợp trong diện khảo sát đã qua đời, đến nay còn 15 hộ thuộc đối tượng có công với cách mạng cần hỗ trợ. Hầu hết là người già, thường xuyên đau bệnh, mất sức lao động, có hoàn cảnh khó khăn, con đi làm ăn xa, thu nhập không ổn định… Trên cơ sở đó, Tổ liên ngành đề ra giải pháp, tìm hướng để giúp các hộ khó khăn có thêm điều kiện ổn định cuộc sống.
Toàn cảnh cuộc họp tổng hợp thông tin khảo sát thực tế 16 hộ thuộc đối tượng có công với cách mạng. Ảnh: Văn Nỷ
* Ngày 21-9, Huyện ủy Ninh Phước khai giảng lớp bồi dưỡng công tác Đảng cho 250 Bí thư Chi bộ, cấp ủy viên cơ sở trên địa bàn huyện. Các học viên được truyền đạt các chuyên đề về tổ chức cơ cở đảng; công tác tư tưởng của chi, đảng bộ cơ sở; công tác phòng, chống “Tự điễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở cơ sở; công tác dân vận của chi, đảng bộ cơ sở và công tác lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cơ sở...
* Theo báo cáo của UBND huyện Thuận Nam, từ đầu năm đến nay, ngư dân trong huyện đã khai thác hải sản đạt sản lượng 73.719 tấn/63.000 tấn, đạt 117% so kế hoạch năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi ước đạt 265 ha, gồm: Tôm thẻ 228 ha, ốc hương 31 ha, rong sụn 6 ha, đạt 86% so kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.253 tấn/3.755 tấn (tôm thẻ 2.389 tấn, ốc hương 676 tấn và thủy sản khác 188 tấn), đạt 87% so kế hoạch năm và tăng 6% so cùng kỳ. Các ngành chức năng và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, khắc phục chống khai thác hải sản bất hợp pháp; duy trì, củng cố phát triển Tổ đội đoàn kết đánh bắt thuỷ sản. Đến nay, đã thành lập 2 Nghiệp đoàn đánh bắt cá tại xã Phước Diêm và Cà Ná.
* Đến nay, toàn huyện Ninh Phước có 24 HTX, gồm 21 HTX nông nghiệp, 11 HTX tổng hợp, 2 HTX phi nông nghiệp và 78 Tổ hợp tác; 12 trang trại, trong đó có 4 trang trại nuôi heo, 1 trang trại nuôi gà và 7 trang trại tổng hợp hoạt động có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã đầu tư 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đối ứng để xây dựng trụ sở HTX Phước Hậu, Như Bình, Hoài Trung, Phước An và Phước Thiện. Ngoài ra còn khuyến khích các HTX áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó đã hỗ trợ các HTX tham gia các mô hình liên kết sản xuất như: Thực hiện sản xuất cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên cây lúa, bắp, măng tây xanh ...đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho các thành viên tham gia HTX.
* Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Bắc phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với quy hoạch đồng cỏ, bảo đảm thức ăn cho đàn gia súc. Huyện đã xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận 2 thương hiệu sản phẩm đặc thù của huyện, gồm: Heo đen và gà Thuận Bắc. Quy mô đàn gia súc có trên 172.00 con, tăng 3,75%, đàn heo tăng 9,6%, đàn gia cầm tăng 43,8% so với năm 2015. Mô hình nuôi vỗ béo có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc; tỷ lệ sind hoá đàn bò đạt trên 55%, tỷ lệ đàn dê, cừu được lai tạo giống mới đạt trên 70%, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, góp phần đáng kể cho công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương
Văn Nỷ- Huy Hoàng-NN