Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và UBND các huyện, thành phố cũng quan tâm đầu tư kinh phí trang bị các thiết bị bể bởi cho một số trường học. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bể bơi di động sử dụng chưa hiệu quả, cần có quy chế hoạt động, nhằm giúp cho HS học bơi, phòng, chống đuối nước.
Ngay từ đầu năm học mới, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích. Đặc biệt là thực hiện chương trình dạy bơi cho HS lồng ghép với hoạt động ngoại khóa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Đến với Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi thuộc địa bàn phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) vào những tuần đầu năm học mới 2021- 2020, chúng tôi ghi nhận tinh thần nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong việc truyền thông biện pháp phòng, chống đuối nước, thương tích cho HS. Thầy giáo Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đơn vị đảm nhận giảng dạy cho 1.500 học sinh biên chế 37 lớp; trong đó, khối lớp 6 có 11 lớp, với 450 học sinh. Nhà trường được Sở GD&ĐT trang bị thiết bị bể bơi di động và UBND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đầu tư kinh phí xây dựng nhà bảo quản bể bơi đưa vào hoạt động từ năm học 2019-2020 đến nay. Bể bơi chất liệu bạt có chiều dài 14,5 m, rộng 6,4 m, cao 1 m, trị giá 324 triệu đồng. Năm học vừa qua chỉ có 40 HS đăng ký học bơi nhưng nhà trường vẫn bơm nước thường xuyên bảo quản thiết bị bể bơi. Bước đầu nhà trường thu 10.000 đồng/em/buổi học bơi để bơm nước, hóa chất và trả bồi dưỡng cho nhân viên bảo vệ. Nhà trường hiện có 3 giáo viên dạy thể dục được tập huấn chương trình bơi và cứu nạn cho HS. Ban Giám hiệu tổ chức cho 200 HS lớp 6 đăng ký tự chọn môn học bơi rèn luyện kỹ năng sống, phòng, chống đuối nước cho các em sinh sống trên địa bàn các phường Đô Vinh, Bảo An có nhiều sông, suối, ao hồ..
Giáo viên Trường Liên cấp Hoa Sen hướng dẫn học sinh lớp 1 học bơi trong năm học mới 2020- 2021.
Đến với Trường THCS Nguyễn Thái Bình thuộc địa bàn xã Hộ Hải (Ninh Hải) được Sở GD&ĐT trang bị thiết bị bể bơi di động dành cho HS cấp THCS; UBND Ninh Hải đầu tư kinh phí xây dựng nhà bảo quản bể bơi từ đầu năm học 2019-2020. Điều đáng tiếc là bể bơi cạn khô đáy và các thiết bị bơm hư hỏng, rỉ sét. Thầy giáo Nguyễn Trọng Thiện, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Nguyễn Thái Bình cho biết, toàn trường hiện có 563 học sinh, biên chế 16 lớp. Nhà trường được cấp trên quan tâm đầu tư lắp đặt bể bơi di động và xây dựng nhà bảo quản nhưng do chưa có kinh phí duy trì hoạt động nên sau khi bơm nước nghiệm thu bàn giao công trình này “đóng cửa” từ đầu năm học 2019-2020 đến nay. Mỗi lần bơm cần có 80 m3 nước sạch và hóa chất xử lý trị giá khoảng 1,2 triệu đồng, trung bình mỗi tháng thay nước một lần. Ban Giám hiệu nhiều lần gửi văn bản đề nghị Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện Ninh Hải ban hành quy chế, kinh phí cho hoạt động bể bơi trong các trường phổ thông. HS có nhu cầu học bơi nhưng do chưa có quy chế nên nhà trường chưa thể huy động nguồn lực thực hiện xã hội hóa kinh phí trong việc dạy và học bơi cho HS.
Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, toàn tỉnh hiện có 18 trường tiểu học và THCS được Sở GD&ĐT đầu tư trang bị bể bơi di động và ban hành nội quy sử dụng hồ bơi di động trường học. Tuy nhiên, hiện nay các trường học đang khó khăn về kinh phí vận hành và bảo trì bể bơi di động. Các trường TH và THCS thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố. Do đó, UBND các huyện, thành phố cần ban hành quy chế quản lý bể bơi di động trong các trường phổ thông giúp các đơn vị có cơ sở pháp lý triển khai xã hội hóa kinh phí hoạt động. Đây là điều kiện quan trọng giúp các đơn vị trường học thực hiện hiệu quả hoạt động dạy bơi, phòng, chống đuối nước và thương tật cho HS, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới 2020- 2021.
Sơn Ngọc