Hỏi: Nhiều bạn đọc ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm muốn biết Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày nào? Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân được quy định như thế nào? Các hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Giáo dục?
Trả lời: Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật gồm 9 Chương và 115 Điều; thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.
Theo quy định tại Điều 13 của Luật Giáo dục năm 2019, quyền và nghĩa vụ học tập của công dân được quy định như sau:
1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
2. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
3. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Theo Điều 22 của Luật Giáo dục năm 2019, các hành vi bị nghiêm cấm gồm:
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học.
2. Xuyên tạc nội dung giáo dục.
3. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
4. Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.
5. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
6. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Hỏi: Nhiều phụ huynh ở Ninh Phước muốn biết về cơ sở giáo dục phổ thông và việc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được quy định như thế nào?
Thầy và trò học sinh trường Tiểu học Từ Tâm 1, xã Phước Hải (Ninh Phước) trong giờ lên lớp. Ảnh: Văn Nỷ
Đáp: Theo quy định tại Điều 33, cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm:
1. Trường tiểu học;
2. Trường trung học cơ sở (THCS);
3. Trường trung học phổ thông (THPT);
4. Trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 34 quy định về xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT như sau:
1. Học sinh học hết chương trình tiểu học đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.
2. Học sinh học hết chương trình THCS đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.
3. Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
4. Học sinh có bằng tốt nghiệp THCS, theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Nhiều phụ huynh muốn biết chính sách ưu đãi hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên theo học ngành sư phạm?
Trả lời: Tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt thì:
- Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
- Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm và sinh viên chuyên ngành khác còn được hưởng các chính sách dành cho người học như sau:
- Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật Giáo dục năm 2019 và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.
- Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
NN ( thực hiện)