Năm 1980, với đồng vốn ít ỏi, ông thuê 4 sào đất của người dân địa phương để trồng mía. Thời gian ban đầu thật sự khó khăn, do thiếu kiến thức trong chăm sóc cây trồng cùng với khí hậu khô hạn, nên không ít người lo ông sẽ thất bại. Nhưng với quyết tâm cao, ông đã kiên trì tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm của các nông dân trong vùng, rồi thành công cũng dần đến với ông. Sau nhiều năm mở rộng, đến nay diện tích đất sản xuất của gia đình ông có gần 22 ha; trong đó, 10 ha mía, 6 ha mỳ, 5 ha cây ăn quả và khoảng 1 ha trồng cỏ chăn nuôi cùng 15 con bò được nuôi theo hình thức sinh sản, vỗ béo.
Năm 2012, nhận thấy đầu ra của cây mỳ bấp bênh, ông quyết định mở xưởng thu mua mỳ tươi. Với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 2,7 tỷ đồng, ông xây dựng kho, sân phơi, mua bàn cân điện tử, thiết bị, máy móc, mỗi năm đã thu mua bình quân khoảng 5.000 tấn mỳ tươi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu áp dụng khoa học-kỹ thuật, cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, qua đó mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn. Không dừng lại đó, 2 năm trở lại đây, qua nghiên cứu thị trường, nhận thấy lợi nhuận mà cây kiệu đem lại rất cao, ông đã đầu tư trồng 10 ha. Chỉ tính riêng vụ mùa 2019, tổng thu từ kiệu gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 800 triệu đồng. Nếu cộng dồn tất cả các loại hình sản xuất và dịch vụ, mỗi năm gia đình ông thu về từ 400 đến 500 triệu đồng. Một điều đáng khâm phục ở ông đó là bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, hàng năm còn tạo điều kiện giúp đỡ 20 hộ nghèo tại địa phương bằng cách cho mượn giống, vay vốn để đầu tư sản xuất mà không tính lãi, hỗ trợ về máy móc trong sản xuất.
Với ý chí làm giàu, sự cần mẫn, ông Thất đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo nên cơ nghiệp cho riêng mình và thu được “quả ngọt” như ngày hôm nay. Chia sẻ kinh nghiệm 40 năm làm nông, ông cho biết: Đã làm kinh tế thì phải biết trăn trở, suy nghĩ, biết tích góp và đầu tư tái sản xuất để năm sau cao hơn năm trước, tạo nền tảng bền vững. Tích cực nghiên cứu sách, báo, tài liệu chuyên canh về cây trồng, vật nuôi để áp dụng thực tế trên đồng ruộng. Bằng những nỗ lực, kết quả kể trên, vừa qua, ông được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân Ninh Thuận đoàn kết giúp nhau sản xuất, kinh doanh giỏi; làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020.
Lê Tuấn