Đưa khoa học công nghệ... lên non

Lúa công nghệ…

Đến Chà Đung (Phước Thắng-Bác Ái) vào một buổi trưa hè, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đồng lúa xanh rì đang lao xao trong gió. Dòng nước mát lành được dẫn từ hồ Sông Sắt đang róc rách chảy giữa những hệ thống kênh mương kiên cố như làm cho không khí buổi trưa tháng ba thêm dễ chịu.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân sử dụng bơm-va. Ảnh: Duy Anh

Rất gần với chúng tôi là tiếng cười trong trẻo, ánh mắt đen tròn của những em bé. Cuộc sống nơi đây đã thay đổi. Cái đói mùa giáp hạt đã lùi xa. Người mẹ trẻ địu con đi giữa cánh đồng lúa bát ngát đương làm đòng, giọng vui vẻ:

“Bây giờ bà con mình biết trồng lúa nước như dưới xuôi rồi, không lo bị thiếu ăn nữa …”

Thôn Chà Đung được chọn thực hiện thí điểm mô hình thâm canh lúa nước do Sở KHCN phối hợp với Phòng Công Thương huyện với mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cây lúa và nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng góp phần ổn định đời sống cho bà con dân tộc Ra glai xã Phước Thắng. Qua 3 năm thực hiện, đến nay cả thôn đã có 3 ha lúa nước được trồng theo “công nghệ mới”, năng suất đạt 4,2 tấn/ha, kết quả khá “ấn tượng” so với trước đây là 1,5-2,5 tấn/ha . Ông Katơ Chuấn, một trong 10 hộ dân tham gia mô hình trình diễn này vui vẻ: “Bà con mình vui lắm. Bây giờ biết cách trồng cây lúa cho ra hạt gạo nhiều rồi, không lo đói, không lo khổ nữa…”.

Bên dòng kênh chủ động nước cho sản xuất

Bà Ka-tơ Lính, Trưởng thôn Chà Đung tâm sự: “Hồi mới áp dụng khoa học công nghệ, bà con mình còn bỡ ngỡ, chưa quen với cách trồng mới. Bây giờ thì ai cũng biết rồi, nhờ nghe theo cán bộ nên lúa tốt, cho hạt nhiều, bà con ai cũng mừng…”

Ông Trần Văn Huynh, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết: Hiệu quả từ mô hình này là rất đáng ghi nhận. Với cách canh tác truyền thống như trước đây thì đời sống bà con vừa không được đảm bảo vừa làm cho đất đai bị thoái hóa, năng suất vì thế mà giảm đi hàng năm. Bây giờ, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên năng suất vừa đảm bảo, lại chủ động nguồn nước tưới nên bà con có thể trồng mỗi năm hai vụ, chất lượng đời sống của bà con từ đó mà được nâng cao.

Những gié lúa đương xanh đang đung đưa trong gió. Từ đây, nguồn nhựa sống từ lòng đất sẽ kết thành những hạt thóc căng mẩy, làm giàu cho người trồng lúa miền đại ngàn, để cái đói, cái nghèo sẽ mãi lùi xa vào dĩ vãng.

Đưa công nghệ ... lên non

Đây chỉ là một trong nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà Bác Ái được chọn thực hiện thí điểm.

Những năm gần đây, mặc dù Bác Ái đã có những bước tiến nhảy vọt so với hồi chưa chia tách với huyện Ninh Sơn, chất lượng cuộc sống bà con Ra glai đã được nâng cao, đời sống an sinh xã hội được đảm bảo phần nào. Nhưng vẫn còn đó mối trăn trở về những đổi thay chưa thật sự bền vững ở vùng đất này. Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP đã đem lại những cơ hội tiếp cận với những thành quả khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống cho huyện Bác Ái.

Thực hiện Nghị quyết, Bác Ái nằm trong danh sách 61 huyện nghèo được hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã triển khai Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, theo đó Sở Khoa học và công nghệ được phân công: “đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đề xuất và triển khai phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương”. Trên cơ sở đó, trong 2 năm 2009- 2010, đã có 20 đề tài cấp tỉnh, cấp huyện về các lĩnh vực Nông nghiệp&PTNT, tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa; lĩnh vực chuyển giao công nghệ, mô hình trình diễn khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Bác Ái. Nổi bật là những mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ: Mô hình sản xuất thâm canh lúa nước (tăng năng suất giống ML48 đạt 4,5 tấn/ha cao hơn so với canh tác truyền thống 1,7 lần), mô hình nuôi heo đen (rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, bảo tồn giống heo quý của địa phương), mô hình trồng tre Điền Trúc (dự kiến năng suất đạt 12 tấn/ha măng tươi, tăng hiệu quả kinh tế),…

Áp dụng KHCN vào cuộc sống ở những huyện nghèo ở đồng bằng đã khó, đem tiến bộ khoa học lên huyện miền núi như Bác Ái càng khó hơn. Những ngày đầu tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới, không ít bà con đã lắc đầu vì những lý do đại loại như “hồi trước giờ nuôi con heo thì thả nó đi đâu thì đi, tối tối nó về nhà, không có cất nhà, cho uống thuốc gì hết, nó cứ sống đó, có chết đâu.” “nước trời mà, lúa tự nó lớn, không cần mình nhổ cây cỏ, bón phân đâu…” Ấy vậy mà giờ đây, những ai có dịp lên Bác Ái sẽ nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của vùng đất này.

Những gié lúa vàng ươm, những dòng nước mát lành, những ngôi nhà khang trang và những nụ cười em thơ sẽ mãi là những ấn tượng đẹp về Bác Ái hôm nay. Ngày mới lại về trên quê hương Bác Ái kiên trung.