Những năm qua, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và đã đạt đuợc kết quả tích cực. Công tác xây dựng thể chế, môi trường pháp lý phát triển Chính phủ điện tử được thực hiện tốt, kịp thời. Các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu được triển khai thực hiện nhanh chóng. Hiện đã có 76 bộ, địa phương trong cả nước có đường dẫn tương ứng. Dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh, nhất là dịch vụ công mức độ 4 hiện ở mức 15,9%, tăng gấp đôi so cùng kỳ. Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị đã đi vào nền nếp… Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nhiều nền tảng chuyển đổi số nhất trên thế giới.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.
Theo Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, về quan điểm, sẽ quyết tâm phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia. Trước mắt đến năm 2025, phấn đấu có 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của Chính phủ; 100% dịch vụ công trực tuyến trong danh mục cho phép có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán số, cho phép thực hiện thủ tục hành chính từ đầu đến cuối trên môi trường mạng; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành, kết nối, chia sẻ trên toàn quốc….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền số trong thời gian qua; đặc biệt biểu dương các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gần đây nhất là ứng dụng Bluezone, học tập từ xa, chữa bệnh từ xa… không chỉ góp phần xây dựng Chính phủ, Chính quyền điện tử, mà còn đóng góp trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng lưu ý một số tồn tại, hạn chế, cũng như giải pháp khắc phục, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Các bộ, ngành chức năng nhanh chóng hoàn thiện thể chế tạo hành lang an toàn pháp lý xây dựng Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến năm 2021 hầu hết các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 4. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tích hợp dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu trong trong tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp; đồng thời nhanh chóng hoàn thiện xây dựng nền tảng chính quyền số… Thủ tướng giao Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an thực hiện một số Đề án quan trọng trong việc bảo đảm an ninh thông tin, đào tạo nhân lực, hoàn thiện hạ tầng thông tin… phục vụ đắc lực xây dựng, phát triển Chính phủ số, giúp Chính phủ trở thành Chính phủ tương tác, minh bạch, làm nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Uyên Thu