Lý giải điều này, ông Sơn dẫn chứng: “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có tính phân hóa rõ rệt nhưng vẫn nằm trong kiến thức cơ bản chương trình giáo dục phổ thông. Bởi vậy thủ khoa của trường nhiều năm gần đây hầu hết là những HS ở các vùng nông thôn, đa số chưa từng đến lò luyện thi nào để ôn thi”. Ông Sơn đặc biệt lưu ý: “Các em cần phải loại bỏ ngay suy nghĩ sai lầm là thi khối C thì chỉ cần học thuộc lòng”.
Cùng chung nhận định này, cô Nguyễn Như Hương - giáo viên dạy Văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), khuyên: “Với các môn khoa học xã hội nói chung và môn Văn nói riêng, khi ôn tập, các em nên gạch ý chính. Chỉ cần nhớ ý chính của từng chủ đề trong bài thì khi làm bài sẽ triển khai được bằng lời văn của chính mình”.
Khác với cách làm bài thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH đòi hỏi TS phải thể hiện chính kiến của bản thân, tạo được dấu ấn rõ rệt hơn trong bài viết. “Muốn gây được ấn tượng với người chấm, bài thi cần phải có điểm nhấn với những kiến thức mở rộng nên TS cần chịu khó đọc thêm tài liệu tham khảo”, cô Như Hương nói.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng khuyên TS không nên tập trung quá nhiều thời gian để làm các câu mà mình tâm đắc vì sẽ rất dễ bị mất điểm toàn bài thi. “Với đặc thù của môn xã hội, dù các em có tâm đắc thế nào đi nữa, cố gắng làm tốt một câu thì cũng rất khó được điểm tối đa của câu đó. Dành thời gian quá nhiều cho một câu tất nhiên sẽ không đủ thời gian để làm hết các câu còn lại và chắc chắn điểm thi sẽ không cao”, ông Sơn giải thích. Vì thế theo các chuyên gia, việc chia thời gian chặt chẽ, phân bổ thời gian hợp lý để trả lời từng câu hỏi là một kỹ năng rất quan trọng trong quá trình làm bài thi.
Nguồn Báo Thanh Niên