* Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà Đảng bộ huyện Thuận Bắc đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020?
|
- Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của trung ương, của tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Qua đánh giá, có 21/22 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 6.162 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015 và tăng bình quân 25,4%, vượt 10,3%, so với giai đoạn 2011 – 2015. Ngành công nghiệp - xây dựng tăng 28,9%, vượt 12,3%; ngành nông nghiệp tăng 16,1%, vượt 9,1%; ngành thương mại - dịch vụ tăng 25,8%, vượt 3,4%. Cơ cấu giá trị sản xuất: Công nghiệp- xây dựng chiếm 68,4%; nông nghiệp chiếm 21,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 10,1%.
Điểm nổi bật, là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng 16,1%. Huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt kết quả nhất định, từng bước thay đổi diện mạo ở nông thôn, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp-xây dựng có sự tăng trưởng mạnh, với giá trị sản xuất tăng bình quân 28,9%/năm. Đã phát huy tiềm năng, lợi thế mới của địa phương về phát triển ngành năng lượng, nhất là năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời). Trong 5 năm, huyện đã kêu gọi, thu hút 10 dự án đầu tư của các thành phần kinh tế, với tổng vốn đăng ký trên 17.500 tỷ đồng, tập trung trên lĩnh vực năng lượng sạch, khai thác khoáng sản. Thương mại-dịch vụ có chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất tăng bình quân 25,8%/năm. Hoạt động du lịch trên địa bàn bước đầu có sự chuyển biến tích cực, thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Nhà máy điện gió (công suất trên 150 MW), điện mặt trời (công suất 204 MW) do Trungnam Group đầu tư xây dựng tại huyện Thuận Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: V.M
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô học sinh các cấp học được duy trì; công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được thực hiện tốt, mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng được củng cố và tăng cường. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3,99%. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả. Công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ được tăng cường, đạt kết quả tích cực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể được phát huy; các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động được triển khai sâu rộng, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
* Phóng viên: Đồng chí cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, để đưa Thuận Bắc phát triển nhanh và bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra các chương trình, đề án trọng điểm và giải pháp đột phá nào?
- Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển: Triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2020-2025, trước những thuận lợi cơ bản nhưng cũng có những khó khăn, thách thức đan xen, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện nâng cao quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế để xây dựng huyện Thuận Bắc ngày càng phát triển. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra 7 chương trình, đề án trọng điểm và 3 giải pháp mang tính đột phá, cụ thể như sau:
1. Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; trong đó tiếp tục thực hiện đi vào chiều sâu, có hiệu quả 2 chuyên đề về: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên; phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
2. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình, Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân.
3. Tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Trước mắt, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành 9 dự án điện gió, điện mặt trời với công suất 756 MW đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, tiếp tục rà soát các khu vực có khả năng phát triển ngành năng lượng để kêu gọi đầu tư như các hồ chứa nước, các khu vực không có khả năng canh tác nông nghiệp, khu vực dọc các triền núi,...
4. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương để phát triển du lịch. Phấn đấu đưa huyện Thuận Bắc trở thành vùng trọng điểm về du lịch phía Bắc theo Quy hoạch của tỉnh.
5. Chương trình phát triển đô thị: Tập trung quy hoạch phát triển không gian đô thị tại các xã Lợi Hải, Bắc Phong, Công Hải, trong đó phát triển Lợi Hải làm trung tâm, với xu hướng hình thành các khu dân cư để phát triển thị trường bất động sản, chuẩn bị nhu cầu nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân của Khu công nghiệp Du Long. Phát triển đô thị Lợi Hải và các điểm dân cư nông thôn liên kết với nhau để trở thành một tổng thể.
6. Chương trình nâng cao dân trí cho người dân: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; chuyển dịch cơ cấu đào tạo nghề phục vụ yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế giải quyết việc làm, nâng cao khả năng tiếp cận áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và đời sống.
7. Chương trình phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự các xã vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao thu nhập và thu hẹp nhanh khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc miền núi so với vùng đồng bằng, vùng có lợi thế.
Để thực hiện thắng lợi các chương trình, đề án trọng tâm đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra 3 giải pháp đột phá, đó là:
Thứ nhất, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội: Vận dụng sáng tạo các chính sách kinh tế - xã hội của Trung ương và của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia mới về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; chính sách của Chính phủ về vùng An toàn khu, xã An toàn khu và các chính sách khác, trên cơ sở lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên đất đai, ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cấp thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tạo đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính, tập trung đẩy mạnh ứng dụng tốt hơn công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, xây dựng chính quyền điện tử; cải thiên rõ nét các chỉ số cải cách hành chính; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Nhật Nguyên