Hướng TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TỈNH NINH THUẬN LẦN THỨ VII - NĂM 2020

Ông Võ Hồng Tâm - nông dân điển hình làm kinh tế giỏi

Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, ông Võ Hồng Tâm (ảnh) ở thôn Quán Thẻ 2, xã Phước Minh (Thuận Nam) là nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Tâm không những chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà còn thực hiện tốt mô hình trồng thâm canh theo hướng VietGAP trên cây mãng cầu ta mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Võ Hồng Tâm tâm sự, giai đoạn 1983-1995, làm việc tại Nông trường Bông Quán Thẻ, sau đó do nông trường giải thể nên công việc, kinh tế gia đình gặp khó khăn, ông về canh tác một số loại cây trồng trên diện tích vài hécta của gia đình, như: Trồng lúa, ớt, cà, tỏi, dưa, cà rốt... Lúc bấy giờ, do thổ nhưỡng, thời tiết, không thích hợp, thiếu nước tưới, không đủ kinh phí thuê cơ giới hóa vào sản xuất nên mọi việc phải “tự lực cánh sinh”. Ông đã bỏ công sức cải tạo, san ủi mặt bằng đất, đá trên đồi cao hơn 6 m so với đồng muối Quán Thẻ để ngăn nhiễm mặn. Đối với các khâu làm đất, trồng, tưới tiêu cho cây trồng cũng bằng sức lực của mình nên mất nhiều thời gian, hiệu quả mang lại không cao. Trước tình hình đó, ông không nản chí, mà thường xuyên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, cùng với sự định hướng, tuyên truyền, vận động của chính quyền xã Phước Minh ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung tâm sức tìm hiểu phương pháp, kỹ thuật, tiến hành đầu tư trồng cây mãng cầu ta.

Ông Tâm chia sẻ, đến nay đã trồng khoảng 10.000 cây mãng cầu ta trên diện tích 4 ha. Ông dành hết tâm sức, thời gian để làm tốt khâu chọn giống, tỉa cành, tỉa trái, sử dụng phân sinh học cho cây mãng cầu ta một cách khoa học. Ngoài ra, ông Tâm còn đào ao với diện tích 2,5 sào phía dưới đồi để tích nước mưa và khoan giếng chi phí trên 40 triệu đồng để chủ động nước tưới cho cây trồng. Ông lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phun tầm cao để tưới tiêu đồng bộ, tiết kiệm thời gian đáng kể; đồng thời, đưa cơ giới hóa vào các quy trình sản xuất, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm nên đã tiết kiệm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhờ đó, hằng năm sản lượng thu hoạch mãng cầu ta đạt khoảng 20 tấn/ha, các thương lái chủ động đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình còn lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, ông cùng với gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình, đóng góp tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương; làm tốt các công tác xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động, có thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng; phát huy tinh thần đoàn kết, nhiệt tình ủng hộ trong các phong trào của Hội Nông dân xã và địa phương phát động; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây mãng cầu ta cho nông dân địa phương. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo khoa học do các ngành, các cấp tổ chức để tiếp thu kỹ thuật, tìm hướng đi phù hợp để nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm chất lượng cao.

Với những thành quả đạt được, vừa qua, ông được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân Ninh Thuận đoàn kết giúp nhau sản xuất, kinh doanh giỏi; làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020.