Các nhà khoa học của Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học - công nghệ Việt Nam đã xác định được tên khoa học và nguồn gốc của loài chim lạ là loài rẽ cổ đỏ, tên khoa học là Phalaropus lobatus (Linnaeus, 1758), thuộc họ rẽ (Scolopacidae). Đây là loài chim nước thuộc nhóm chim biển và là loài chim di cư. Hiện nay loài này xuất hiện với số lượng khá lớn tại tỉnh Ninh Thuận.
Rẽ cổ đỏ là một trong những loài chim biển có kích thước nhỏ nhất, mỏ nhỏ và ngắn nhất trong số các loài chim rẽ. Kích thước trung bình cơ thể của rẽ cổ đỏ là 18-19cm, chiều dài sải cánh 31-34cm. Mỏ màu đen và nhọn. Chân màu đen và các đốt chân có màng. Với đặc điểm này, rẽ cổ đỏ có thể bơi lội rất giỏi trong môi trường nước.
Vào mùa sinh sản, chim mái có bộ lông màu sậm với phần ngực màu xám, lưng có màu xám đậm với các sọc màu nâu, đầu và mặt có màu xám đen, cổ và phần trên ngực có màu đỏ nâu đậm với một đốm trắng ở họng và phía trên mắt. Bộ lông chim trống tương tự nhưng không sặc sỡ như bộ lông chim mái. Trên mắt của chim trống không có vệt trắng dài chứ không nhỏ thành đốm như chim mái. Ngoài mùa sinh sản thì bộ lông chim trưởng thành của chim trống và chim mái giống nhau. Trên lưng có màu xám, phần bụng và đầu màu trắng với một vệt đen chạy ngang mắt và tai. Khi bay trên cánh có một vệt trắng.
Vệt trắng ở cánh của rẽ cổ đỏ - Nguồn: Nguyễn Trần Vỹ, 2011
Bộ lông mùa sinh sản của chim mái - Nguồn: Courtesy of Frode Falkenberg/ www.cyberbirding.no
Rẽ cổ đỏ là loài chim di cư và được đánh giá là một trong những loài có vùng phân bố rất rộng. Mùa sinh sản chúng phân bố ở các vùng lãnh nguyên ở vùng cực Bắc bán cầu như Bắc Mỹ, Bắc Châu Âu. Vào mùa đông chúng di cư về các vùng Nam Bán cầu như Nam Mỹ, vùng biển ở Trung Đông, Đông Nam Á như Việt Nam, Singapore, Indonesia... (C. Robson, 2011).
Tại Việt Nam loài này được xem là không phổ biến và đã ghi nhận được ở các vùng chủ yếu là biển Nghĩa Hưng và khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy (Nguyễn Cử và cộng sự, 2000), vườn quốc gia Cát Tiên (Nguyễn Trần Vỹ, 2001) (chỉ gặp 1 cá thể). Trong các đợt khảo sát vừa qua (2011), loài này đã được ghi nhận tại các vùng ven biển như bãi biển Bình Tiên, Thái An và các đầm muối thuộc vườn quốc gia Núi Chúa - tỉnh Ninh Thuận; khu vực Cam Ranh (khu vực gần sân bay Cam Ranh) - tỉnh Khánh Hòa (Nguyễn Trần Vỹ, 2011).
Hiện nay rẽ cổ đỏ tập trung khá nhiều tại khu vực huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một hiện tượng khá bất thường vì trước đây loài chim này chưa từng được ghi nhận với số lượng nhiều như vậy tại khu vực này nói riêng, vùng ven biển ở Việt Nam nói chung. Điều này đã gây ra sự bức xúc và lo lắng cho người dân nuôi trồng thủy sản vì người dân cho rằng loài này ăn tôm giống của họ.
Thức ăn và một số tập tính
Không giống như hầu hết các loài chim khác, đặc điểm rất đặc biệt của rẽ cổ đỏ là vai trò cũng như đặc điểm về màu sắc bộ lông của chim trống và chim mái hoán đổi cho nhau trong mùa sinh sản. Nghĩa là vào mùa sinh sản, bộ lông chim mái có màu sắc đậm và sặc sỡ hơn chim trống, chim mái chuẩn bị lãnh thổ và chọn bạn ghép đôi. Trong khi đó màu sắc bộ lông chim trống nhạt hơn và chim trống ấp trứng, chăm sóc chim non. Ngoài mùa sinh sản, rẽ cổ đỏ tập trung kiếm ăn thành những đàn rất lớn.
Nguồn thức ăn chính của rẽ cổ đỏ là các loại phiêu sinh động vật, ấu trùng các loài giáp xác và động vật không xương sống có kích thước rất nhỏ kể cả loài moi (tôm Krill). Thường chúng ăn các sinh vật trên mặt nước và vì vậy chúng thường bơi theo kiểu xoay tròn để đẩy thức ăn từ phía dưới lên trên mặt nước. Ngoài biển khơi chúng thường tập trung ở những vùng có hiệu ứng nước trồi vì ở đó thức ăn rất phong phú (nguồn: Wikipedia, http://bna.birds.cornell.edu/bna/species/538).
Các đốt bàn chân của rẽ cổ đỏ có màng và vì vậy chúng thường bơi trong nước để kiếm thức ăn hơn đi trên đất. Đây là đặc điểm khác biệt giữa rẽ cổ đỏ với các loài chim nước khác.
Đề xuất
Nhìn chung hiện nay vùng phân bố cũng như nguồn thức ăn của loài rẽ cổ đỏ tại Việt Nam chưa được nghiên cứu cụ thể. Với những tập tính của loài này và việc tập trung một số lượng rất lớn lên đến hàng ngàn cá thể sẽ gây nhiều lo lắng và quan ngại đối với những người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là những người nuôi tôm. Vì vậy để góp phần bổ sung dữ liệu về tập tính sinh học, vùng phân bố cũng như nguồn thức ăn của rẽ cổ đỏ trong quá trình di cư về phía Nam bán cầu, việc tiến hành một chương trình nghiên cứu các nội dung như trên là rất cần thiết trong tình hình hiện nay tại các khu vực ven biển của Việt Nam, nơi có thể có một số lượng rất lớn cá thể loài chim này tới kiếm ăn.
Kết quả nghiên cứu một mặt bổ sung các dữ liệu khoa học về loài này, nhưng đồng thời cũng giúp giải tỏa những bức xúc của người dân hiện nay là liệu loài chim rẽ cổ đỏ có ăn tôm giống hay không? Và liệu loài này có gây hại gì cho người nuôi trồng thủy sản hay không?
Theo Báo Tuổi Trẻ