Tháng Bảy tri ân và Huyền thoại Mẹ

Tháng Bảy, cả dân tộc thành kính tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tưởng nhớ lớp lớp cha anh hiến dâng xương máu cho độc lập - tựu do - hòa bình, lại man mác nỗi niềm, có nơi nào trên thế giới này phải gánh chịu chiến tranh liên miên như đất nước hình chữ S. Có những người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như những bà mẹ Việt Nam.

Nhìn vào hằng ngàn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm. Nhìn vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc và những cuộc chiến đấu chính nghĩa để bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và nơi Biển Đông của Tổ quốc. Nhìn vào những mất mát đau thương của chiến tranh, thấy nghẹn ngào dòng máu nóng tự hào dân tộc…

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Vùng đất Quảng Nam có một "địa chỉ đỏ": Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tượng đài lấy nguyên mẫu từ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có 12 người con, gồm 11 trai và một gái thì 9 con trai hy sinh. Con đầu và là con gái duy nhất là thương binh cũng là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng khi có chồng và hai con gái là liệt sỹ. Một gia đình có tới 12 liệt sỹ!

Có câu chuyện kể rằng lúc Mẹ Thứ còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay tới ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sỹ, Mẹ thường chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với Mẹ. Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, Mẹ như thấy các con về, Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đến trước bàn thờ gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương để tưởng nhớ các con.

Vào năm 1998, khi một đoàn khách nước ngoài đến thăm Mẹ Thứ, một nhà báo, cựu chiến binh người Hàn Quốc đã hỏi Mẹ: "Thưa bà, với quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận?".

Mẹ Thứ điềm tĩnh trả lời: "Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng". Người cựu chiến binh Hàn Quốc sững người, rưng rưng nước mắt rồi thấp người xuống, cầm tay xin lỗi Mẹ…

Bức ảnh Mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy đã diễn tả trọn vẹn những mất mát, hy sinh, nỗi đau của Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cuộc đời Mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh.

Từ câu chuyện Mẹ Nguyễn Thị Thứ, hướng lòng mình vào sâu thẳm những mất mát, khổ đau của chiến tranh, lại rưng rưng nỗi niềm, có nơi nào trên thế giới này phải gánh chịu chiến tranh liên miên như đất nước hình chữ S. Mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương lớp lớp lớp người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Mỗi miền quê, mỗi xã phường, mỗi làng mạc, khu phố đều có nghĩa trang liệt sỹ. Có những người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều mất mát, nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như những bà mẹ Việt Nam. Có nỗi xót xa nào quặn lòng hơn nhìn bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió mòn mỏi ngóng đợi con về. Có nơi nào mà hình ảnh người mẹ ngồi khắc khoải bên bậu cửa đã trở thành huyền thoại như ở dải đất này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng tại chương trình Gặp mặt Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc 2020. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Chiến tranh đã lùi xa, tiếng súng đã ngừng trên đất nước hơn 40 năm nay nhưng đau thương mà nó để lại vẫn âm ỉ, nhức nhối. Cả nước hiện nay có gần 1,2 triệu liệt sỹ, gần 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300 nghìn hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật. Trong hàng triệu bà mẹ hiến dâng con mình vì độc lập - tự do - hòa bình của đất nước, có 14 vạn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó hiện có gần 5.000 Mẹ còn sống.

Sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam cho Tổ quốc là quá đỗi lớn lao. Sẽ không có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh của cả một lớp người đi trước, của những người Mẹ Việt Nam cho đất nước, quê hương. Dù suốt 73 năm qua, nhất là hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng… Đặc biệt việc chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đến nay, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó hiện có 4.962 mẹ còn sống đang được các cơ quan, tổ chức và gia đình phụng dưỡng.

Tháng Bảy tri ân, nhớ về cội nguồn, nhớ về những ký ức hào hùng, nhớ về những truyền thống bất khuất của dân tộc và cả những mất mát, hy sinh. Lòng tự hào, biết ơn xen lẫn những cảm xúc bồi hồi. Như những chia sẻ đầy xúc động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp mặt 300 đại biểu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng: Đất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng khi những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các Mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chính các Mẹ đang là những minh chứng sống!

Theo TTXVN/Báo Tin tức