Tình trạng bãi rác tự phát dễ dàng nhận thấy được ngay từ trục đường vào xã Cà Ná. Ngay khu vực chợ Cà Ná, cảng cá và dọc hai bên đường đều có rác thải, chủ yếu là túi ny lông, chai nhựa, thùng xốp, vật dụng sinh hoạt… khó phân hủy. Nhiều hộ dân ở đây bức xúc: Một số người lén lút đổ rác xuống bờ kè, nên rác ngày càng nhiều, nổi đầy mặt nước, những ngày nắng nóng mùi hôi bốc lên rất khó chịu.
Khu vực bên hông chợ Cà Ná có rất nhiều rác thải bị vứt bừa bãi.
Thực trạng rác thải nông thôn đã được địa phương tìm hướng giải quyết nhưng không dễ. Được biết, trước đây ở xã Cà Ná có quỹ đất dự phòng để làm bãi rác, nhưng sau này bị các hộ dân lấn chiếm xây nhà, đến nay vẫn chưa quy hoạch được khu vực xử lý rác. Trong 3 năm trở lại đây, Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại và Sản xuất Nam Thành là đơn vị đảm nhận thu gom rác sinh hoạt ở khu vực này, tuy nhiên công tác vận chuyển hiện gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp rác thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường (giá dịch vụ thu gom, vận chuyển) thu từ các hộ gia đình mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để duy trì cho hoạt động vận chuyển. Mặt khác, vấn đề cốt lõi hiện nay vẫn bắt nguồn từ ý thức kém của người dân không chịu đem rác ra chỗ tập kết để công nhân vệ sinh thu gom mà cứ vứt xuống bờ kè, vì không muốn phải đóng phí vệ sinh môi trường. Rác dập dềnh trôi trên biển, lâu ngày dồn tụ lại khiến việc thu gom rất khó khăn, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng
Chế tài xử phạt thì có đầy đủ, tuy nhiên khó áp dụng. Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná, cho biết: Một số người dân lén đổ rác vào ban đêm và sáng sớm, chính vì vậy nên xã không có cơ sở để xử lý họ. Còn về công tác tuyên truyền, UBND xã thực hiện thường xuyên, liên tục trên loa, đài nhưng ý thức người dân không chuyển biến nhiều. Theo Ban Quản lý cảng cá Cà Ná, ngư dân có thói quen ngày đêm sinh hoạt trên tàu nên lượng rác thải đổ xuống biển rất nhiều. Ban Quản lý đã thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, vận động ngư dân cùng nhau giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường biển; tổ chức cho nhân viên vớt rác tại cầu cảng vừa để giữ vệ sinh vừa làm gương cho cộng đồng…
Để bảo vệ môi trường, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp làm sạch môi trường tại các khu vực bãi biển, cảng cá, khu dân cư, như: Cắm biển cấm đổ rác bừa bãi, tăng cường tần suất thu gom rác, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải…. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ giúp hạn chế phần nào nhưng chưa thể chấm dứt được tình trạng xả rác bừa bãi.
Để giải bài toán rác thải, thiết nghĩ ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp giám sát ở những điểm nóng về rác, tăng mức xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi, tạo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Anh Thi