Đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Để khai thác tiềm năng và lợi thế, tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, những năm qua, thực hiện Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh về việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND tỉnh ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh, huyện Ninh Phước đã tập trung rà soát cụ thể từng vùng, thổ nhưỡng, nguồn nước, loại cây trồng và nhu cầu người dân để triển khai hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành đa dạng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và được phát triển, nhân rộng các xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện còn khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết trong sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh… nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn, chất lương; tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Châu Rế được hỗ trợ mô hình trồng măng tây xanh theo chuỗi giá trị mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.Mạnh
Theo đó, thực hiện Quyết định 11 của UBND tỉnh, huyện đã hỗ trợ nông dân nhân rộng hàng chục mô hình sản xuất có hiệu quả, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng. Điển hình trong trồng trọt là mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 1.036 ha ở các xã, thị trấn, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha; mô hình trồng bắp lai, với diện tích 648 ha ở xã Phước Vinh và Phước Sơn, năng suất đạt 8 tạ/sào; mô hình trồng rau an toàn 46,5 ha ở xã Phước Hải và An Hải; mô hình trồng nho, táo an toàn với diện tích 4,7 ha; mô hình cải tạo đàn dê ở xã Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Hữu; mô hình măng tây xanh với diện tích 2,3 ha tại xã Phước Hải và An Hải….
Đối với thực hiện Quyết định số 65 của UBND tỉnh, huyện đã hỗ trợ triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, ưu tiên nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, với diện tích 31,8 ha cây măng tây xanh, nho, táo ở các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận và Phước Vinh; hỗ trợ chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao như: Nho, táo và cây trồng cạn, với diện tích 34,4 ha; triển khai hỗ trợ giống, vật tư cho cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 842 ha, măng tây xanh 44 ha; hỗ trợ kinh phí tư vấn xây dựng liên kết và hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết cho 17 hợp tác xã (HTX). Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Châu Rế, cho biết: Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển trong nông nghiệp, HTX đã đầu tư đường vào khu sản xuất, hỗ trợ cải tạo đất rẫy cho bà con. Đặc biệt, các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân, kỹ thuật trồng, chăm sóc và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhờ đó, mô hình trồng măng tây xanh của HTX cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, đầu ra ổn định, nên các hộ dân yên tâm sản xuất.
Đồng chí Huỳnh Thanh Phương cho biết thêm: Việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành động lực để người dân thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện. Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai Quyết định 11 và Quyết định 65 của UBND tỉnh, hỗ trợ nông dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó, huyện tập trung ra soát, quy hoạch cụ thể thế mạnh từng vùng để bố trí phù hợp các mô hình sản xuất hiệu quả. Tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và HTX.
Tiến Mạnh