Ông Mike Ryan cho biết, các nhà nghiên cứu đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn khi một số mẫu vaccine hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và không có mẫu nào thất bại, tức là chúng có khả năng đảm bảo an toàn và khả năng miễn dịch. Những kết quả này sẽ là tiền đề tích cực hướng tơi vaccine phòng COVID-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.
Tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil, ngày 21/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Ryan, WHO đang nỗ lực để để đảm bảo việc phân bổ vaccine được thực hiện công bằng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thực tế là trong khi chờ đợi có được một loại vaccine hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, số bệnh nhân trên toàn thế giới không ngừng gia tăng.
Cùng ngày, hai tập đoàn sản xuất dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ và BioNTech của Đức cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ chi 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do hai tập đoàn bào chế nếu sản phẩm chứng tỏ độ an toàn và hữu hiệu.
Liên quan tới việc sản xuất vaccine phòng COVID-19, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto cho biết bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị ngân sách và nhân lực cho việc sản xuất cũng như quá trình tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19.
Theo ông Terawan Agus Putranto, công ty PT Bio Farma (Persero) sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn ba. Các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng dự kiến bắt đầu vào tháng 8/2020 và kéo dài sáu tháng. Nếu đúng mục tiêu, giai đoạn thứ ba của các thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn thành vào tháng 1/2021. Sau đó, Bio Farma sẽ bắt đầu sản xuất vaccine trong quý I/2021.
Theo TTXVN/Báo Tin tức