Hành trình gần 6 thập kỷ khám phá sao Hỏa của nhân loại

Trong tháng 7 này, cả Mỹ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều dự định bắt đầu sứ mệnh khám phá sao Hỏa mới. Đây là khoảng thời gian lý tưởng trong năm để đưa tàu vũ trụ tới khám phá Hành tinh Đỏ.

Sao Hỏa từ lâu đã có một sức hút mãnh liệt và mơ ước chinh phục của nhiều quốc gia, nhưng thực tế cho đến nay nhiều lần nhiệm vụ này đã thất bại. Trên thế giới hiện chỉ có Mỹ đã 8 lần đưa thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa. Hai tàu đổ bộ của NASA hiện đang hoạt động ở đó là InSight và Curiosity. Ngoài ra có 6 tàu vũ trụ khác đang khám phá hành tinh Đỏ từ quỹ đạo gồm: 3 tàu của Mỹ, 2 tàu của châu Âu và 1 từ Ấn Độ.

Sứ mệnh mới của UAE, Mỹ và Trung Quốc

Theo dự kiến, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ lần đầu tiên chinh phục sao Hỏa với tàu thăm dò không người lái mang tên Hope (Hy vọng)vào ngày 15-7-2020 (nhưng đã hoãn sang sáng ngày 18-7 vì lý do thời tiết). Tàu dự kiến sẽ được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, phía Tây Nam Nhật Bản bằng tên lửa đẩy Mitsubishi MH-IIA. Tên lửa đẩy của Nhật Bản không nổi tiếng như tên lửa Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX, nhưng lại có một lịch sử phóng dày dạn, với hơn 40 lần phóng thành công, chủ yếu là các hệ thống vệ tinh của Nhật Bản.

Dự kiến sau khi được phóng vào quỹ đạo, tàu HOPE sẽ có sứ mệnh kéo dài trong vòng 7 tháng, đến tháng 2-2021 tàu sẽ đi vào quỹ đạo quanh Hành tinh Đỏ, tiến hành thu thập và gửi các thông tin dữ liệu về khí quyển cho Trái Đất. Tàu vũ trụ không người lái mà UAE thực hiện phóng lên sao Hỏa lần này có khối lượng 1.500 kg bao gồm cả nhiên liệu và chiều dài chưa đến 3 mét. Tàu được trang bị ba cánh pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho việc sạc pin, tổng công suất hoạt động chỉ 477 watt, 3 công cụ cho phép tàu thăm dò nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa mạnh mẽ hơn. Tàu cũng trang bị nhiều camera, bao gồm thiết bị cực tím và hồng ngoại, được thiết kế để theo dõi và phân tích khí hậu.

Tàu HOPE là sản phẩm phát triển hợp tác giữa UAE, Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid và một số viện giáo dục của Mỹ. Nó đánh dấu mốc là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên do một quốc gia Arab thực hiện. Nếu thành công, trên thế giới sẽ có thêm một quốc gia được ghi tên vào danh sách các nhà thám hiểm sao Hỏa.  Việc UAE phóng tàu HOPE thám hiểm khí quyển sao Hỏa nhằm tạo tiền đề cho mục tiêu bay vào quỹ đạo của sao Hỏa vào năm 2021 nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất UAE và hướng tới mục tiêu đặt chân lên hành tinh này vào năm 2117.

Ngoài UAE, Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ thực hiện sứ mệnh khám phá hành tinh Đỏ trong tháng 7 này. Theo các nhà khoa học, do vị trí và khoảng cách giữa Trái đất và sao Hỏa không cố định nên giai đoạn thích hợp nhất để bay từ Trái đất đến hành tinh Đỏ chỉ lặp lại sau 26 tháng, khi sao Hỏa và Trái đất nằm thẳng hàng cùng một phía của Mặt Trời. Và do đó từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay chính là giai đoạn không thể bỏ lỡ. 

Việc thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc dự định được thực hiện vào khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25-7-2020 trong một sứ mệnh có tên gọi chính thức là “Thiên vấn 1”. Thiên Vấn 1 gồm tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo, trạm đổ bộ và robot thám hiểm. Nhiệm vụ của nó là thăm dò vòng quanh quỹ đạo của sao Hỏa và đổ bộ robot lên bề mặt hành tinh để phân tích và thám hiểm. Con tàu cũng đóng vai trò là trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc. Thiên Vấn 1 sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đất, cấu trúc địa chất, môi trường và khí quyển của Hành tinh Đỏ. Sứ mệnh chinh phục sao Hỏa là một trong những dự án không gian mới mà Trung Quốc đang triển khai, cùng với các dự án đưa phi hành gia Trung Quốc lên Mặt Trăng và lập một trạm vũ trụ không gian vào năm 2022. Tháng 1-2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa thiết bị lên thăm dò đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng.

Trong khi đó, Mỹ dự kiến phóng robot Perseverance tới sao Hỏa trong khoảng thời gian từ ngày 30-7 đến 15-8-2020. Robot mang tên Perseverance dự kiến sẽ hạ cánh xuống hố trũng Jezero rộng 45 km vào ngày 18-2-2021. Robot này có nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa, thu thập mẫu đất đá và thực hiện một số nghiên cứu khác. Nó cũng mang theo trực thăng tự động nhỏ Ingenuity. Đây sẽ là phương tiện bay đầu tiên cất cánh trên thiên thể khác ngoài Trái Đất.

Hành trình gần 6 thập kỷ khám phá sao Hỏa của nhân loại

Có thể thấy, trong cuộc thám hiểm vũ trụ bao la, sao Hỏa từ lâu đã có một sức hút mãnh liệt và là mơ ước chinh phục của nhiều quốc gia. Và trên con đường khám phá hành tinh Đỏ suốt gần 6 thập kỷ qua đã có khoảng 40 sứ mệnh và một nửa trong số đó đã thành công. Cùng nhìn lại một số khám phá nổi bật trên sao Hỏa của loài người.

- 1964: Lần đầu tiên tiếp cận sao Hỏa

Sau rất nhiều nỗ lực thất bại, ngày 28-11-1964 đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho toàn nhân loại khi tàu Mariner 4 của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) gửi những bức hình đầu tiên chụp bề mặt sao Hỏa về Trái đất.

- 1971: Tiến vào quỹ đạo

Năm 1971, tàu Mariner 9 của NASA trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiến vào quỹ đạo sao Hỏa.

- 1976:  Đáp xuống sao Hỏa

Tàu Viking 1 và 2 của NASA đổ bộ và vận hành thành công trên bề mặt sao Hỏa vào năm 1976. Những manh mối về nước trên sao Hỏa dần hé lộ.

- 1996: Đưa robot lên bề mặt sao Hỏa

Tàu vũ trụ Mars Pathfinder của NASA đưa một thiết bị đổ bộ và robot thám hiểm mang tên Sojourner lên bề mặt sao Hỏa. Dữ liệu gửi về bao gồm sức gió, áp suất và những điều kiện khác trên sao Hỏa.

- 2004: Tìm thấy nước dạng băng đá ở sao Hỏa

Vệ tinh Mars Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã tìm ra nước dạng băng đá tại hai cực của sao Hỏa vào năm 2004. Ngoài ra, vệ tinh còn tìm thấy dấu vết của khí metan trong bầu khí quyển của sao Hỏa, cho thấy tiềm năng tồn tại vi khuẩn trên hành tinh này.

- 2012: Robot tự hành mới được đưa lên sao Hỏa

Robot tự hành lớn nhất của Mỹ - Curiosity - hạ cánh thành công trên sao Hỏa, cung cấp cho các nhà khoa học những thông tin chuẩn xác hơn rất nhiều so với các robot trong quá khứ.

- 2013: Tàu vũ trụ không người lái đầu tiên của Ấn Độ lên sao Hỏa

Ngày 5-11, Ấn Độ phóng tàu không người lái đầu tiên của nước này lên sao Hỏa với tham vọng trở thành quốc gia thứ tư tiếp cận thành công Hành tinh Đỏ (sau Mỹ, châu Âu và Nga). Đến tháng 9-2014, tàu Mangalyaan đã tiếp cận được quỹ đạo của sao Hỏa. Với sứ mệnh này, Ấn Độ chỉ tốn 4,5 tỷ Rupi (73 triệu USD), thấp hơn nhiều so với kinh phí 671 triệu USD mà NASA bỏ ra để đưa tàu MAVEN lên sao Hỏa.

- 2015: Tìm thấy nước dạng lỏng

Tháng 9-2015, NASA chính thức công bố về việc tìm ra nước lỏng trên bề mặt sao Hỏa. Đây là một bước ngoặt trong hành trình khám phá sao Hỏa của con người, mở ra hy vọng tìm thấy sự sống ở Hành tinh Đỏ.

- 2016: Phóng tàu thăm dò ExoMars

Ngày 14-3, tàu thăm dò ExoMars được phóng lên vũ trụ. Đây là dự án vũ trụ đầu tiên mà Nga và châu Âu hợp tác chặt chẽ và sâu sắc.

Vào năm 2018, dự án ExoMars giai đoạn 2 được triển khai với mục đích tìm kiếm dấu vết sinh học của sự sống trên sao Hỏa ở quá khứ hoặc hiện tại…

Theo TTXVN