Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT hệ công lập năm học 2020-2021 là 6.263 học sinh (HS)/158 lớp, tăng 154 HS và tăng 3 lớp so với năm học trước. Phương thức tuyển sinh: Thực hiện thi tuyển cho HS đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; xét tuyển cho HS đăng ký dự tuyển vào các trường THPT trên địa bàn huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam; kết hợp thi tuyển với xét tuyển cho HS đăng ký dự tuyển vào các trường phổ thông DTNT THPT và các trường THPT thuộc huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Thời gian thi lớp 10 THPT trong 2 ngày 18 và 19-7-2020 với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; thi lớp 10 THPT chuyên từ ngày 18 đến 20-8-2020 với 3 môn thi chung là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và các môn chuyên.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị Ban Chỉ đạo các kỳ thi năm 2020 tỉnh Ninh Thuận.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, toàn tỉnh có 5.750 thí sinh (TS) đăng ký dự thi; trong đó, có 5.195 TS THPT, 333 TS GDTX và 222 TS đã tốt nghiệp thi để xét tuyển đại học, cao đẳng. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS hệ THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH; TS hệ GDTX phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thời gian thi trong 2 ngày 9 và 10-8-2020. Tỉnh dự kiến thành lập 14 điểm thi, với 243 phòng thi đặt tại 6 huyện, thành phố; điều động gần 800 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác thi.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đã phổ biến những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 hệ công lập năm 2020. Các đại biểu trao đổi, kiến nghị nhiều vấn đề nhằm triển khai các kỳ thi khoa học, nghiêm túc, khách quan, an toàn về mọi mặt, đánh giá đúng chất lượng người học.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu; sự chuẩn bị chu đáo của Sở GD&ĐT; cũng như sự phối hợp tích cực, chủ động của các sở, ngành, địa phương trong chuẩn bị điều kiện tổ chức các kỳ thi. Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương cần xác định việc tổ chức các kỳ thi năm 2020 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; rà soát, khắc phục hạn chế, phát huy kết quả đạt được trong tổ chức các kỳ thi năm 2019. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương rà soát, chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về tổ chức các kỳ thi năm 2020; tập trung, trách nhiệm, linh hoạt, chủ động xử lý các tình huống phát sinh; chuẩn bị tốt điều kiện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tạo tâm lý an tâm, thoải mái cho TS; phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền cung cấp thông tin cho HS, phụ huynh và tạo sự đồng thuận xã hội. Đối với Sở GD&ĐT cần thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin; xây dựng phương án dự phòng, xử lý các tình huống phát sinh. Các ngành, địa phương làm tốt công tác phối hợp; rà soát, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao (theo Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND tỉnh)… đảm bảo việc tổ chức các kỳ thi năm 2020 trên địa bàn tỉnh diễn ra thông suốt, an toàn, thuận lợi, hiệu quả, đúng quy định và không để xảy ra sai sót ở bất kỳ khâu nào.
Lâm Anh