Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL

Sáng 11/7, tại thành phố Tân An (tỉnh Long An), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ 6 và khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 8 nhiệm kỳ 2016-2021.

Cùng tham dự có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số Ủy ban của Quốc hội cùng các đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân của 21 tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh và Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, chủ đề của hội nghị là “Kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Đây là lần đầu tiên Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức hội nghị với sự tham gia của các khu vực trên toàn quốc để tạo được diễn đàn có số lượng địa phương tham dự lớn nhất từ trước đến nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân hai khu vực được tổ chức tại tỉnh Long An được coi như là một bước đổi mới phương thức kết hợp trong tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân giữa các khu vực.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc Ban tổ chức đã tổ chức Tọa đàm vào chiều 10/7 để có thêm nhiều thời gian cho các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hay, đề xuất được nhiều ý kiến đổi mới, những kiến nghị hay gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương.

Qua trình bày của đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Long An về tổng hợp ý kiến tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội đánh giá các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trí tuệ của các vị đại biểu qua những nội dung được đề cập; ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đồng thời giao Ban Công tác đại biểu tổng hợp đầy đủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để có được những thành công đó, bên cạnh những yếu tố khách quan về sự ổn định và hoàn thiện của hệ thống pháp luật, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tạo cơ chế đối với tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân theo hướng hiệu quả hơn, thực chất hơn…, phải kể đến sự chủ động của mỗi địa phương, mỗi cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao của mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thời gian tới, với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thúc đẩy khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, chuẩn bị tiến hành thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 đặt ra trọng trách rất nặng nề cho chính quyền các cấp, trong đó có Hội đồng nhân dân.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong khuôn khổ Hội nghị , Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 với một số thay đổi trong các quy định liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thực hiện tốt các quy định mới này.

“Các Ban của Hội đồng nhân dân phải chú trọng hơn nữa về chất lượng công tác thẩm tra, tăng tính phản biện để giúp cho đại biểu có cơ sở quan trọng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định các nội dung của kỳ họp. Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực và các Ban của Hội đồng nhân dân phải tiếp tục thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện và kiến nghị biện pháp xử lý các bất cập, hạn chế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Hội đồng nhân dân cần phải tăng cường đi thực tế cơ sở, theo dõi giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời, dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu các tài liệu để chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng.

Cùng với đó, công việc điều hành của Chủ tọa kỳ họp cần tiếp tục đổi mới theo hướng tạo điều kiện để đại biểu phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm tham gia thảo luận, góp ý thẳng thắn về nội dung các đề án, các tờ trình, dự thảo nghị quyết; đồng thời, người Chủ tọa cần có những gợi ý, định hướng xem xét những vấn đề còn những ý kiến khác nhau; năng động trong điều hành, dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận, tranh luận và chất vấn, trả lời chất vấn...

Trong hoạt động giám sát chuyên đề, giải trình, Hội đồng nhân dân cần phải tập trung vào những lĩnh vực bức xúc đang được cử tri quan tâm và phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị, tránh để xảy ra tình trạng các kiến nghị giám sát không được thực hiện.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu tầm quan trọng của việc cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân và cử tri thấu hiểu, đồng hành với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, quy định pháp luật.

Từ thực tế hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiều nhiệm kỳ qua cho thấy, công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Hội đồng nhân dân là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định, lựa chọn nhân sự tiêu biểu, xứng đáng, đủ điều kiện, kế cận mình cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Hội đồng nhân dân cần thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương trong năm 2020, góp phần vào việc thực hiện thành công Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của cả nước.

Về liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội nghị đầu tiên của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức tại Bến Tre cách đây gần 4 năm (tháng 10/2016). Sau Hội nghị đó, nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, nhiều giải pháp được thực hiện, đã góp phần tạo sự liên kết trong phát triển kinh tế của Vùng thời gian vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội mong các đại biểu tiếp tục quan tâm đến nội dung này để cùng nhau giải quyết những vấn đề trong kinh tế - xã hội đặt trong tổng thể vùng, mang tính liên kết vùng, như: việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển cơ sở hạ tầng… đưa kinh tế - xã hội khu vực phía Nam phát triển bền vững hơn.

Theo www.chinhphu.vn