Đối mặt làn sóng tẩy chay, đã đến lúc Facebook cần thay đổi?

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang vấp phải làn sóng phản đối lớn của các nhà tổ chức chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook ở phạm vi toàn cầu.

Việc hàng trăm thương hiệu lớn đã đồng loạt tuyên bố ngừng quảng cáo trên Facebook đã làm thổi bay gần 60 tỷ USD vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này chỉ trong vòng 2 ngày qua.

Gần 200 thương hiệu tẩy chay quảng cáo trên Facebook

Là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, Facebook từ khi chính thức ra mắt vào năm 2003, dưới sự lãnh đạo của ông chủ Mark Zuckerberg, đã và đang thực hiện sứ mệnh cung cấp internet cho mọi người trên thế giới. Tuy nhiên trong hơn 2 năm qua, mạng xã hội Facebook cũng liên tục chịu áp lực của nhiều quốc gia về cách thức công ty này xử lý dữ liệu cá nhân người dùng, cũng như cáo buộc gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu. Thậm chí, Chủ tịch và kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã từng phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và Nghị viện EU để giải trình về các hoạt động thu thập dữ liệu của công ty vào năm 2018.

Facebook lâu nay cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách xử lý yếu kém trước các thông tin giả và phát ngôn thù địch tràn lan trên mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất hành tinh này. Kể từ sau cái chết của công dân da màu Geogre Floyd tại Mỹ do bị cảnh sát trấn áp mạnh tay, Facebook đã phải đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này. Sự phẫn nộ liên quan đến cái chết của Floyd tại Mỹ đã dẫn tới những phản ứng chưa từng có tiền lệ của các tập đoàn trên khắp thế giới. Đơn cử như Unilever đã thay đổi tên của sản phẩm làm trắng da khá nổi tiếng ở Ấn Độ, mang tên Fair and Lovely. Trong khi Coca-Cola thì thực hiện bước đi lớn khi dừng mọi chiến dịch quảng cáo trên tất cả kênh mạng xã hội khắp toàn cầu như Facebook, YouTube và Snap với lý do các nền tảng này không quan tâm tới việc chấm dứt tình trạng đăng tải những nội dung phân biệt chủng tộc.

Chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook đang diễn ra trên toàn cầu mang tên “Stop Hate For Profit” (tạm dịch là “Ngừng các phát ngôn thù địch vì lợi nhuận”) do tổ chức Free Press và Common Sense, cùng một số nhóm bảo vệ các quyền dân sự ở Mỹ, trong đó có Color of Change và Liên đoàn Chống phỉ báng, khởi xướng từ đầu tháng 6-2020, đến nay đã thu hút được sự ủng hộ của ngày càng nhiều của các công ty lớn. Hơn 160 công ty, trong đó có những cái tên lớn như Verizon Communications hay Unilever Plc, đã ký kết ngừng mua các đoạn quảng cáo trên Facebook trong tháng 7 tới. Nhiều nhãn hàng nổi tiếng khác như Ben & Jerry’s, The North Face, REI, Patagonia, Eddie Bauer, tập đoàn chế tạo ô tô Ford, Starbucks, PepsiCo, Diageo... cũng tuyên bố rút quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và ứng dụng Instagram để đợi nền tảng truyền thông này “có hành động rõ ràng trong việc ngăn chặn thông tin phân biệt chủng tộc”.

Mục đích của chiến dịch trên nhằm kêu gọi các doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên nền tảng của Facebook trong tháng 7 để phản đối việc không hành động mạnh tay nhằm chống lại các phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội của công ty này. Các nhà tổ chức chiến dịch này đã chỉ trích rằng Facebook đã thiếu kiểm duyệt các nội dung đe dọa bạo lực, ngôn từ thù địch và sai lệch thông tin được đăng bởi Tổng thống Donald Trump và nhiều người dùng khác. Để gây sức ép đối với Facebook, các nhà tổ chức đang tiếp tục kêu gọi thêm nhiều công ty Mỹ tham gia, cũng như hối thúc các tập đoàn chi mạnh tay cho quảng cáo, trong đó có Unilever và Honda, ngừng tất cả quảng cáo trên Facebook, thay vì chỉ giới hạn ở Mỹ như hiện nay.

Không chỉ trên Facebook, chiến dịch tẩy chay còn mở rộng tầm ảnh hưởng sang những nền tảng quảng cáo trực tuyến khác như Twitter, Youtube và Snap… Và không chỉ vấp phải phản ứng từ bên ngoài, Facebook cũng đối mặt với tình trạng chia rẽ nội bộ khi hàng trăm nhân viên công khai chỉ trích, thậm chí nghỉ làm một ngày sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg quyết định giữ nguyên các bài viết “gây bức xúc” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tháng 6 vừa qua liên quan đến những cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Đến lúc phải thay đổi

Trong bối cảnh làn sóng chỉ trích ngày một tăng, Facebook ngày 26-6 vừa qua đã công bố một số biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nội dung đăng tải trên các nền tảng ứng dụng. Cụ thể, Facebook sẽ dán nhãn những bài đăng tải vi phạm các chính sách của công ty như cách mà Twitter đã làm gần đây. Facebook cũng sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm ngăn chặn hành vi “đánh lừa” cử tri và bảo vệ người nhập cư khi loại bỏ các quảng cáo có nội dung mang tính phân biệt chủng tộc. Facebook khẳng định việc đưa ra quyết định này không phải nhằm đối phó với áp lực doanh thu mà là thực hiện những cam kết trước đó của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.

Trước những chỉ trích, trang mạng xã hội ngày 28-6 cũng đã thừa nhận rằng “còn nhiều việc phải làm” và đang hợp tác với các chuyên gia và nhóm quyền dân sự phát triển thêm nhiều công cụ chống phát ngôn thù địch. Facebook khẳng định các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo cho phép mạng xã hội này xác định 90% phát ngôn không phù hợp trước khi người dùng báo cáo. Mặc dù vậy, các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người vẫn cho rằng, các bước đi của Facebook chưa đủ mạnh để ngăn chặn những phát ngôn gây chia rẽ được đăng tải trên nền tảng này.

Theo các nhà phân tích, với doanh thu 69,7 tỷ USD từ quảng cáo trong năm 2019, đứng thứ hai thế giới chỉ sau tập đoàn Google, thì chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên có thể sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu của Facebook. Ví dụ như Unilever thông báo ngừng chi cho quảng cáo tại Mỹ đến hết năm 2020, nhưng số tiền này chỉ tương đương 10% tổng số 250 triệu USD tập đoàn này dành cho quảng cáo trên Facebook hằng năm. Mỗi năm Facebook “bỏ túi” khoảng 70 tỷ USD nhờ quảng cáo, và 25% trong số đó đến từ các tập đoàn lớn như Unilever.

Mặc dù vậy, việc công khai các chính sách liên quan tới nội dung mang tính thù địch của Facebook thì chắc chắn đã gây tác động lớn đến hình ảnh và cổ phiếu của tập đoàn. Hệ quả là cổ phiếu của Facebook ngày 27-6 đã giảm tới 8,3%, kéo theo việc “bốc hơi” đến 56 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường. Tài sản của tỉ phú Zuckerberg cũng vì thế mà giảm khoảng 7,2 tỷ USD, còn 82,3 tỷ USD, và khiến ông Zuckerberg bị lọt ra khỏi danh sách 3 người giàu nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, do tác động từ đại dịch COVID-19 nên sẽ rất khó để xác định được việc suy giảm doanh thu của Facebook (nếu có) thực sự đến từ đâu. Nhưng cuộc tẩy chay của các tập đoàn lớn lần này chắc chắn sẽ khiến các công ty công nghệ nói chung, hay Facebook nói riêng phải thay đổi chính sách nếu không muốn mất đi niềm tin của người dùng. Điều mà các công ty công nghệ cần làm hiện nay là phải có những thay đổi cần thiết để bài trừ các hành vi, nội dung xấu trên nền tảng trực tuyến của mình, đồng thời phải có trách nhiệm giải trình và đưa ra sự minh bạch hơn.

Theo TTXVN