Sau 15 năm triển khai, đến nay, với sự phát triển, thay đổi của của công nghệ, kỹ thuật, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp các ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để hoàn thiện góp ý sửa đổi Luật với mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm giá trị pháp lý, tính tin cậy trong giao dịch điện tử.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định: Với sự phát triển, giao dịch điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Thời gian dịch COVID-19 vừa qua càng cho thấy sự quan trọng của những giao dịch điện tử trong mọi hoạt động xã hội.
Khách hàng thực hiện giao dịch về dịch vụ điện qua các thiết bị điện tử. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính. Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử hiện tồn tại nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển, như: về phạm vi điều chỉnh của Luật chưa quy định rõ ràng giá trị pháp lý của các loại hình thông điệp dữ liệu và hồ sơ, chứng từ điện tử; thiếu quy định về chứng từ, hồ sơ tương ứng với các quy định về "bản gốc", "bản chính", "bản sao" trong pháp luật truyền thống; các vấn đề quy định về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử…
Theo nhiều đại biểu, để người sử dụng có niềm tin trên môi trường mạng, cần được làm rõ quy định về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử. Tính pháp lý và các trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, việc áp dụng dấu thời gian đối với các chứng từ điện tử là những thông tin mà người sử dụng các giao dịch điện tử quan tâm.
Theo Luật Giao dịch điện tử hiện hành, những quy định giao kết và hợp đồng điện tử, giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng điện tử là chưa đầy đủ. Ngoài ra, những bất cập liên quan đến việc phân định giữa các khái niệm chữ ký điện tử, chữ ký số gây rắc rối, nhầm lẫn cho người sử dụng. Việc xác thực chéo của chữ ký số công cộng Việt Nam với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến, quy định cấp độ của chữ ký điện tử tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các vấn đề về liên thông còn hạn chế.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Luật giao dịch điện tử liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Luật cũng mang tính nguyên tắc, tính khung nhiều hơn, thiếu các quy định cụ thể chi tiết. Hiện, công tác an toàn an ninh và công nghệ xác thực đã tiến rất xa so với năm 2005. Do đó, cần có những sửa đổi trong Luật để tăng cường đảm bảo độ tin cậy và độ an toàn trong giao dịch điện tử.
Việc ban hành các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong Luật Giao dịch điện tử dẫn đến các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong Luật hiện nay có nhiều điểm chồng chéo, không phù hợp với Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, Luật còn thiếu quy định về sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong giao dịch điện tử sao cho đảm bảo an toàn, bảo mật, tránh được các rủi ro cho người dùng do rò rỉ thông tin, dữ liệu.
Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị cần sửa đổi về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, tổ chức trung gian và các giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - tài chính. Những sửa đổi của Luật Giao dịch điện tử được nhận định là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg và định hướng phát triển Chính phủ số, kinh tế số và Cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức