Hỏi: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức thì công chức là gì?
Đáp: Theo Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, thì: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Hỏi: Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với những trường hợp nào?
Đáp: Theo quy định Khoản 3 Điều 37 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, thì: Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với những trường hợp sau đây:
- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
- Cán bộ, công chức cấp xã;
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;
- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Hỏi: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung, Công chức dự thi nâng ngạch phải đáp ứng đủ những tiêu chuẩn, điều kiện nào?
Đáp: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, thì: Công chức dự thi nâng ngạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức.
Hỏi: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung, Công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì bị xử lý như thế nào?
Đáp: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019: Việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định như sau:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 02 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại;
- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn”.
Hỏi: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung thì Thời hiệu xử lý kỷ luật là gì? Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như thế nào?
Đáp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 thì Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Hỏi: Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định như thế nào?
Đáp: Theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 thì:
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Hỏi: Những hành vi vi phạm nào thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật?
Đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 thì những hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Hỏi: Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như thế nào?
Đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:
- Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
- Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
- Hết thời hạn quy định tại 02 trường hợp nêu trên, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Ngọc Phương