Toàn tỉnh hiện có hơn 45.000 CNVCLĐ, trong đó có hơn 24.800 CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” là một trong những phong trào trọng tâm được các cấp công đoàn triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo CNVCLĐ tích cực tham gia. Các cấp công đoàn đã tổ chức phong trào sáng tạo thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng giúp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Điển hình như ở khối sản xuất kinh doanh và dịch vụ, phong trào đã động viên CNLĐ phát huy tính năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, giải pháp đổi mới quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giúp chủ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng hội nhập kinh tế…
Công nhân Công ty Cánh Đồng Việt tiết kiệm thời gian lao động nhờ sáng kiến “Chế tạo máng hứng rác sau máy rửa và kệ để găng tay xuống lá” của đoàn viên Nguyễn Thế Vi. Ảnh: Văn Nỷ
Điển hình như sáng kiến “Chế tạo máng hứng rác sau máy rửa và kệ để găng tay xuống lá” của đoàn viên Nguyễn Thế Vi, CĐCS Công ty Cánh Đồng Việt đã tiết kiệm thời gian cho người quét hay hốt rác, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động sáng tạo. Hay như sáng kiến “Dây chuyền tách lựa rác thải và Dây chuyền sản xuất hạt nhựa” của ông Trần Đình Minh, Công ty TNHH XD – TM & SX Nam Thành Ninh Thuận giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nhân công và tạo môi trường lao động tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tăng nguồn thu cho công ty 300 triệu đồng/1 tháng…
Qua tổng kết 5 năm thực hiện phong trào ”Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đã có 8.458 lượt CNVCLĐ được công nhận và đưa vào ứng dụng thực tiễn các đề tài khoa học, sáng kiến, giải pháp công tác do mình xây dựng. Trong đó có 283 sáng kiến được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh, tập trung các lĩnh vực như: quản lý nhà nước, xây dựng đảng, y, dược, giáo dục... Phong trào tạo động lực mạnh mẽ giúp tập thể, cá nhân nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Trong 5 năm qua, đã có 6 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân được chính quyền, tổ chức công đoàn các cấp khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cũng như trong lao động, sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thi đua lao động tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các phong trào khác: “Xanh–sạch–đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVC-LĐ… cũng được công đoàn các cấp quan tâm đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác chuyên môn, cải thiện môi trường làm việc, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa. Qua đánh giá, có 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận cơ quan, đơn vị xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có 2.048 lượt tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu được các cấp công đoàn khen thưởng, tôn vinh; trong đó có 10 tập thể, cá nhân được Tổng LĐLĐ tặng Bằng khen…
Đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể, đặc biệt còn nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi giúp cơ sở phát động phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ hiệu quả, đạt được những thành quả tích cực.
Để nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, LĐLĐ tỉnh đề ra các nhiệm vụ tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt chú ý đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Luật Thi đua- khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức phát động với các hình thức thi đua đa dạng, phong phú, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả. Phát hiện, xây dựng và nhân rộng những điển hình tiên tiến... Qua đó, tạo sức lan tỏa thi đua rộng rãi trong CNVCLĐ, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Uyên Thu