Hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học Soumya Swaminathan của WHO nói rằng ngoài hàng trăm triệu liều vaccine có thể sản xuất trong năm nay, thế giới sẽ có thêm đến 2 tỉ liều trong năm sau.
“Tôi rất hy vọng và lạc quan. Phát triển vaccine là một việc phức tạp với nhiều thứ không chắc chắn. Mặt tốt là chúng ta có nhiều vaccine và nền tảng để dù có một hay 2 loại thất bại, chúng ta cũng sẽ không mất hy vọng, không từ bỏ”, bà Swaminathan nói.
Theo bà Swaminathan, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang phát triển 200 loại vaccine, trong đó gồm 10 loại đang được thử nghiệm trên người.
“Nếu may mắn, chúng ta sẽ có 1 hoặc 2 loại vaccine được nghiên cứu thành công từ nay đến cuối năm”, bà Swaminathan cho biết. Bà nói thêm rằng đến nay các dữ liệu cho thấy SARS-CoV-2 vẫn chưa biến đổi theo hướng gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, WHO cũng đang lên kế hoạch giúp xác định những đối tượng ưu tiên nhận vaccine. Theo bà Swaminathan, các nhóm dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh là người già, người mắc bệnh tiểu đường, những người sống trong các điều kiện có nguy cơ lây nhiễm cao như khu ổ chuột, các trung tâm chăm sóc. Trong khi đó, những nhóm có nguy cơ cao ở tuyến đầu chống dịch như các nhân viên y tế, cảnh sát.
Hãng tin AFP dẫn lời giới lãnh đạo các công ty dược tháng trước ước tính thế giới sẽ phải cần đến 15 tỉ liều vaccine để có thể khống chế được dịch COVID-19.
Nhiều nước đạt tiến triển trong điều chế vaccine
Nhật báo Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc đưa tin một loại vaccine bất hoạt do Viện Y sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Y học Trung Quốc phát triển có tiềm năng phòng COVID-19 đã bước sang giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Thử nghiệm giai đoạn 2 được tiến hành tại tỉnh Vân Nam ở Tây Nam Trung Quốc, trong đó tiếp tục đánh giá khả năng miễn dịch và an toàn của vaccine ở người.
Trước đó, Viện Y sinh đã tiến hành giai đoạn 1 của cuộc thử nghiệm lâm sàng hồi tháng 5 vừa qua. Gần 200 tình nguyện viên ở trong độ tuổi từ 18-59 tuổi tham gia thử nghiệm đã được tiêm vaccine tại tỉnh Tứ Xuyên.
Dự kiến, cơ sở sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Viện tại thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2020.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đến nay, 5 loại vaccine tiềm năng đã được cho phép thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, chiếm 40% số vaccine được thử nghiệm lâm sàng trên thế giới.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm quốc gia Nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamalei, ông Alexander Gintsburg, cho biết Nga có thể bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Thu năm nay.
Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời ông Gintsburg cho biết hơn 4.000 mẫu huyết tương đã được phân tích bằng hệ thống xét nghiệm miễn dịch COVID-19 do Trung tâm Gamalei chế tạo. Hiện việc thử nghiệm vaccine đang được Bộ Quốc phòng Nga phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Gamalei thực hiện.
Còn tại Đông Nam Á, các nhà khoa học Thái Lan ngày 22/6 đã tiêm liều vaccine thứ 2 thử nghiệm cho khỉ và chờ đợi phản ứng tích cực để có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở người vào tháng 10 tới.
13 con khỉ đã được tiêm vaccine và 2 tuần tới sẽ quyết định liệu các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục thử nghiệm nữa không.
Những con khỉ được chia thành 3 nhóm với một nhóm được tiêm liều cao, một nhóm khác được tiêm liều thấp và nhóm cuối cùng không được tiêm. Các con khỉ sẽ được tiêm tổng cộng 3 lần, mỗi lần cách nhau một tháng.
Chính phủ Thái Lan đang hỗ trợ các cuộc thử nghiệm và hy vọng có thể có được vaccine sản xuất trong nước và sẵn sàng sử dụng vào năm 2021.
Theo www.chinhphu.vn