Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 6.279 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó phát hiện 604 cơ sở không đạt yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn VSATTP, chiếm tỷ lệ 9,6%. Tiến hành thử nhanh 1.890 mẫu thực phẩm, phát hiện có 1 mẫu dương tính với hàn the trong tàu hủ ky, 8 mẫu cho kết quả có độ ôi khét trong dầu ăn. Cơ quan chức năng cũng lấy 29 mẫu nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền gửi kiểm nghiệm đánh giá chất lượng VSATTP, kết quả có 5 mẫu không đạt. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng xử phạt hành chính 21 trường hợp vi phạm, với số tiền 54 triệu đồng. Đồng thời, nhắc nhở 587 cơ sở vi phạm một số hành vi như: Khu sản xuất, chế biến, dụng cụ chế biến không đảm bảo vệ sinh, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng. Riêng 4 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 5.244 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện và xử phạt hành chính đối với 15 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 45 triệu đồng.
Cán bộ Đoàn thanh tra liên ngành về VSATTP tỉnh kiểm tra dụng cụ chế biến tại cơ sở nem chả Diệu Linh, thôn Long Bình, xã An Hải (Ninh Phước).
Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát được cơ quan chức năng tăng cường thực hiện, song, việc bảo đảm VSATTP hiện vẫn còn những khó khăn, thách thức bởi một số lý do như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn nhiều; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; hoạt động quản lý giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATTP. Thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn nhiều. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định, đặc biệt là qua các trang mạng xã hội rất khó quản lý.
Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm VSATTP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020, ngày 6-5, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP trong tình hình mới. Trong đó, ngoài giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành cụ thể, chỉ thị còn đặt ra yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước VSATTP được phân cấp; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy dịnh về VSATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý VSATTP; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điệu kiện quản lý và giảm tối đa thủ tục, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về VSATTP, biểu dương các điển hình tiên tiến mô hình sản xuất chế biến thực phẩm an toàn; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm VSATTP để xử lý theo quy định.
Ngọc Diệp