Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em

“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, diễn ra từ ngày 1 đến 30-6-2020. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã dành riêng một ngày họp phiên toàn thể trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ngày 26-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Nhiều hình thức xâm hại trẻ em

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được chú trọng giải quyết.

Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn tồn tại và ngày càng diễn biến phức tạp, như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, an toàn vệ sinh trong trường học, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành, nghề, lĩnh vực, nhất là những nguy cơ với nhóm trẻ em yếu thế. Nhiều vụ việc trẻ em bị đánh đập, bị xâm hại tình dục, bị mua bán, bỏ rơi, được phản ánh trên báo chí truyền thông, trên mạng xã hội, cũng cho thấy, những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ xâm hại trẻ em…

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em" (tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV), 5 năm qua, cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 8.400 vụ với 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 4.600 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 em, trung bình 1 ngày 7 trẻ trở thành nạn nhân.

Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở các vùng nông thôn, miền núi khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như các đô thị, thành phố. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ là người lạ mà còn là chính những người thân của trẻ, thậm chí là những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em.

Bên cạnh sự xâm hại trực tiếp, còn có xâm hại thông qua mạng internet, mạng xã hội. Theo thống kê, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục.

Nguyên nhân chính dẫn đến những trường hợp xâm hại trẻ em trước hết nằm ở vấn đề nhận thức. Nhiều bậc cha mẹ và chính bản thân các em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ của trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao lãng, bỏ mặc con cái. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Nhiều vụ việc chính quyền không phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả...

Tại phiên thảo luận Báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em" (ngày 27-5-2020), các đại biểu bày tỏ sự quan ngại khi tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người thân, người có quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đang diễn biến phức tạp, các đại biểu phân tích, các quy định pháp lý liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn yếu và chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng chưa được hướng dẫn phổ biến tập huấn đầy đủ về trách nhiệm cách xử lý kịp thời bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nên khi có sự việc xảy ra chưa chủ động ngăn chặn. Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ để phòng tránh nguy cơ xâm hại trẻ em.

Tăng cường phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại

Trước thực tế đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã dành riêng một ngày họp phiên toàn thể trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ngày 26-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em chết do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030. Phát biểu tại phiên thảo luận luận Báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em" (ngày 27-5-2020), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, các tiêu chí, các giải pháp liên quan tới chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Theo Phó Thủ tướng, cần tiếp cận mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy phải xác định hệ thống hóa những nguy cơ hình thành ngay tại cơ sở dữ liệu về trẻ em; phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cần tập trung vào những tác động trái của công nghệ của hội nhập như internet, phim ảnh, du lịch để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp.

Phó Thủ tướng cho biết, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là lĩnh vực rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước, quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em; bố trí tăng kinh phí cho công tác này; thiết lập dịch vụ công cho công tác bảo vệ trẻ em (tổng đài 111), tuy nhiên vẫn cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa cho công tác này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng để trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất.