Các nhà khoa học đã nghiên cứu hơn 900 bệnh nhân ung thư ở Mỹ, Canada và Tây Ban Nha, nhằm tính toán tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày kể từ khi những người này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này là 13%, gấp đôi so với tỷ lệ tử vong trung bình toàn cầu do Đại học Johns Hopkins của Mỹ đưa ra. Nghiên cứu cũng cho thấy bệnh ung thư càng ở giai đoạn nặng thì nguy cơ tử vong càng cao. Bệnh nhân ung thư gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày có nguy cơ cao hơn người mắc bệnh nhẹ.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Los Angeles, California, Mỹ ngày 29/4/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Cũng giống như kết quả các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học nhận thấy người cao tuổi, nam giới, người có ít nhất 2 bệnh nền và từng hút thuốc lá có nguy cơ tử vong cao hơn vì COVID-19. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong 4 tuần kể từ khi được chẩn đoán nhiễm COVID-19, dù bệnh nhân có thực hiện hóa trị hay các liệu pháp chống ung thư khác cũng không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong.
Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng người bệnh có cơ thể cân đối và ít bệnh nền vẫn có thể và nên tiến hành các phương pháp điều trị ung thư phù hợp. Trong khi đó, những người gặp khó khăn trong sinh hoạt thường nhật hoặc mắc bệnh ung thư đang tiến triển cần phải tham vấn kỹ càng với bác sỹ về mặt lợi và mặt hại của việc điều trị.
Nhà khoa học Bill Cance của American Cancer Society - tổ chức tài trợ cho nghiên cứu- nhấn mạnh nghiên cứu cũng cho thấy việc kết hợp thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và kháng sinh azithromycin có thể tăng gấp 3 nguy cơ tử vong, song vấn đề này cần phải nghiên cứu sâu hơn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức