Ngày làm việc thứ 7, kỳ họp thứ 9: Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tại điểm cầu tỉnh ta, tham dự có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH đơn vị tỉnh; Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, đại biểu quốc hội; Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Uỷ viên Uỷ Ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu quốc hội.

Trong ngày làm việc hôm nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.

Theo đó, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.

Đoàn giám sát có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đặc biệt, nhấn mạnh một số giải pháp, kiến nghị sau: Đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em. Trong năm 2020 ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ ban hành các văn bản sau: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình, chương trình phòng; chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; chương trình phòng; chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em; quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em...

Phần thời gian còn lại, các đại biểu tập trung thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu đều tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, các đại biểu đã phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những bất cập, bài học kinh nghiệm, qua đó đưa ra những đề xuất, giải pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian sắp tới.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên thảo luận trực tuyến hôm nay có 47 đại biểu phát biểu ý kiến; 2 đại biểu tham gia tranh luận; các đại biểu đã đăng ký nhưng không tham gia phát biểu do không đủ thời gian, đề nghị các đại biểu gửi lại ý kiến bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu tham gia ý kiến rất sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích kỹ, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống trính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Đồng thời, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.