WTO đang gặp khó

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo ngày 14-5-2020 bất ngờ thông báo sẽ từ chức vào ngày 31-8 tới, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Việc ông Roberto Azevedo từ chức sẽ để lại một khoảng trống ở vị trí lãnh đạo, làm tăng thêm những bất ổn thương mại toàn cầu.

Khoảng trống lãnh đạo

Ông Azevedo, 62 tuổi, nhà ngoại giao người Brazil, nhậm chức Tổng Giám đốc WTO kể từ tháng 9-2013. Ông dự kiến sẽ rời nhiệm sở sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 8/2021. Tổng Giám đốc Azevedo cho biết, quyết định cá nhân của ông cũng nằm trong lợi ích của WTO. Việc từ chức của ông sẽ cho phép các thành viên lựa chọn người kế nhiệm trong những tháng tới, mà không phải phân tâm tìm cách kéo dài để tập trung hơn cho công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12, dự kiến được tổ chức vào năm 2021. Ông Azevedo khẳng định tiếp tục làm việc để cải thiện và củng cố WTO cho đến ngày cuối cùng tại vị và hơn thế nữa, cho dù ở đâu, như những người tiền nhiệm, ông sẽ luôn ủng hộ hệ thống thương mại đa phương này. Theo thông lệ, quá trình lựa chọn Tổng Giám đốc tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 12/2020 với việc đề cử các ứng cử viên. Quá trình lựa chọn sau đó sẽ mất khoảng 3 tháng đầu năm 2021 và có thể kéo dài lâu hơn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo.

Quyết định từ chức của ông Azevedo khiến cho dư luận cảm thấy bất ngờ. Với cương vị Tổng Giám đốc WTO, ông Azevedo từng nắm vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại quốc tế. Ông Azevedo từ chức sẽ khiến WTO mất đi một người đấu tranh cho thương mại tự do và hợp tác quốc tế. Thời gian qua, Tổng Giám đốc Azevedo cùng với các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã và đang tiếp tục kêu gọi các quốc gia bỏ qua sự khác biệt và cắt giảm các rào cản thương mại để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Giới quan sát nhận xét, ông Azevedo có quan điểm trái ngược với Tổng thống Mỹ Donald Trump - người ủng hộ chủ nghĩa đơn phương với trọng tâm là chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.

Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 1-1-1995, với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng, WTO đã thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng, qua đó thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung. Sau 25 năm hoạt động, WTO đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù hoạt động chưa thật sự hiệu quả nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của WTO trong việc thúc đẩy chủ nghĩa thương mại đa phương với nhiều quốc gia đã được hưởng lợi lớn từ khi gia nhập tổ chức. Khi vai trò lãnh đạo của WTO bị lu mờ thì cả hệ thống thương mại toàn cầu cũng trong tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại, chủ nghĩa đơn phương leo thang, WTO cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Vai trò bị lung lay

Trong bối cảnh chủ nghĩa toàn cầu hóa có dấu hiệu thoái trào và sự bất đồng lợi ích giữa các nước thành viên, vai trò và hoạt động của WTO đang bị lung lay. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng lớn trong WTO - ngày càng ủng hộ chủ nghĩa đơn phương. Ông Trump không tin tưởng vào các tổ chức đa phương nói chung và WTO nói riêng. Ông cho rằng các thỏa thuận trong khuôn khổ WTO gây cản trở chủ quyền của Mỹ; rằng Mỹ gánh vác quá nhiều các gánh nặng tài trợ và trong trường hợp của WTO, tổ chức này đã nghiêng “sân chơi” về phía các đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Tổng thống Trump không ít lần bày tỏ sự thất vọng về WTO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Việc Mỹ ngăn chặn WTO bổ nhiệm thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm WTO đã chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện tại của WTO. Kể từ ngày 11-12-2019, cơ quan phúc thẩm WTO - cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu - đã rơi vào tình  trạng tê liệt, vì chỉ còn một thẩm phán, trong khi quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động. WTO vì thế sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm là xu hướng các nước tự đơn phương đáp trả lẫn nhau. Sự bế tắc giữa Mỹ và các thành viên WTO khác cũng đang làm tê liệt WTO. Châu Âu ủng hộ một tòa án thương mại toàn cầu, trong khi Washington muốn có cơ chế trọng tài đặc biệt cho mỗi tranh chấp.

Theo Thời báo Phố Wall, WTO hiện đang phải đối mặt với ba vấn đề căn bản. Thứ nhất, thể chế này đã không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp cũng như nỗ lực cải tổ. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào, một phần bởi các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận để thông qua các thỏa thuận. Ngoài ra, WTO cũng thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công. Thứ hai, các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ như hàng không thương mại. Những quy tắc này đã không giải quyết được vấn đề trợ cấp của các nước đang phát triển. Thứ ba, Mỹ đã luôn cho rằng cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của mình. Đó là giải quyết các trường hợp cụ thể bằng cách sử dụng các quy tắc được thương lượng bởi các quốc gia thành viên.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ nếu WTO bị “xóa sổ” thì thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” trong quan hệ thương mại quốc tế. Do đó, nhu cầu cải cách WTO ngày càng trở nên cấp thiết để cho phép tổ chức này vẫn là nhân tố chủ chốt trong hệ thống đa phương.

Theo TTXVN