Anh Lưu Quang Thống, cán bộ Văn hóa- Thông tin thôn Chất Thường dẫn đường đưa chúng tôi đến thăm gia đình Nại Lưu Ka Tê. Dưới bóng mát khu nhà xưởng lợp ngói thoáng mát, chúng tôi gặp Ka Tê đôi tay lấm lem dầu máy, anh đang tu sửa máy gặt đập liên hợp chuẩn bị xuống đồng thu hoạch lúa vụ đông- xuân. Trao đổi với nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu xã Phước Hậu, chúng tôi được biết anh đã tốt nghiệp lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm). Ước mơ đến với giảng đường đại học không thành, anh học nghề sửa chữa điện tử dân dụng phục vụ bà con thôn xóm. Qua nhiều năm gắn bó với nghề sửa ti vi và thiết bị âm thanh ở làng quê đời sống vài mươi năm trước còn khó khăn nên thu nhập của người thợ rất hạn chế. Nhìn thấy cánh đồng Phước Hậu rộng mênh mông chưa có thiết bị gặp đập liên hợp, nông dân thu hoạch bằng tay vừa chậm thời vụ vừa thất thoát do rụng hạt.
Với vai trò anh cả trong gia đình nông dân có mười người con, Nại Lưu Ka Tê rủ hai em trai là Nại Lưu Vương Chi và Nại Lưu Pa Tom góp vốn “cổ phần” mua sắm máy gặt đập liên hợp kinh doanh phục vụ nhu cầu cơ giới đồng ruộng. Buổi đầu khởi nghiệp, ba anh em huy động vốn bà con thân tộc và vay thêm ngân hàng vào Long An mua máy gặt đập liên hợp do Trung Quốc sản xuất với giá 190 triệu đồng. Ba anh em đồng sở hữu chiếc máy gặt đập đầu tiên vùng lúa Phước Hậu. Ngay trong vụ thu hoạch lúa hè-thu 2008, chiếc máy gặt đập chạy hết công suất trên đồng ruộng quê nhà giúp bà con thôn xóm thu hoạch nhanh, kịp thời làm đất xuống giống vụ mùa. Khi làng Chất Thường gặt xong, anh đưa máy vào Tuy Phong tiếp tục thu hoạch cho vùng đồng bào Chăm xã Phú Lạc. Từ chiếc máy gặt đập liên hợp buổi đầu khởi nghiệp giúp gia đình Ka Tê và hai người em ăn nên làm ra nhờ hiệu quả hoạt động dịch vụ cơ giới nông nghiệp.
Đầu năm 2015, anh Nại Lưu Ka Tê bán máy cũ chuyển sang đầu tư mua sắm máy gặt đập thương hiệu Nhật Bản và mua thêm 2 chiếc máy cày Kubota 48 sức ngựa vừa làm đất vừa vận chuyển lúa hạt về sân phơi cho bà con nông dân. Hiện nay do bà con thôn xóm đầu tư mua sắm nhiều máy gặt nên anh chỉ còn hợp đồng làm đất và thu hoạch cho 30 ha ruộng của nông dân địa phương. Với phương thức đảm nhận dịch vụ làm đất được bà con thanh toán vào cuối vụ thu hoạch với giá 200.000 đồng/sào; gặt và vận chuyển lúa hạt về sân phơi với giá 280.000 đồng/sào. Từ hoạt động dịch vụ thiết bị cơ giới nông nghiệp, anh Ka Tê tạo việc làm cho 10 lao động địa phương có việc làm trong những tháng mùa vụ với thu nhập trung bình 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn canh tác 2,5 ha ruộng gieo trồng mỗi năm ba vụ lúa, áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất trung bình 6- 7 tấn/ha/vụ. Từ sản xuất, kinh doanh giúp gia đình anh có thu nhập 500 triệu đồng/năm, bảo đảm cuộc sống no ấm và nuôi hai người con tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành Xây dựng và Luật kinh tế.
“Bản thân tôi cố gắng cần cù lao động vươn lên làm giàu trên đồng ruộng quê nhà. Với học vấn tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông giúp tôi có kiến thức căn bản nghiên cứu sửa chữa thiết bị khi gặp sự cố hỏng hóc trên đồng ruộng kịp thời thu hoạch bảo đảm mùa vụ cho bà con nông dân. Đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, nâng cao năng suất lúa, giảm chi phí đầu tư. Quá trình làm ăn, tôi đều ghi chép đầy đủ hoạt động của thiết bị máy móc và nhật ký đồng ruộng để có phương pháp đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, tôi tiếp tục thực hiện tốt vai trò của người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con thôn xóm làm ăn vươn lên bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, tích cực góp phần nâng cao các tiêu chí xã Phước Hậu đạt chuẩn nông thôn mới”, anh Nại Lưu Ka Tê chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.
Sơn Ngọc