Ông Đặng Thanh Dân chia sẻ, ông quê xã Long Hữu, huyện Duyên Hải (Trà Vinh). Khi 15 tuổi, ông được cha là cán bộ cách mạng, gửi cho một đồng đội vào cơ quan tham mưu của Tỉnh đội Trà Vinh. Không lâu sau đó, ông được đưa xuống Kinh Chắc Băng, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu theo học văn hóa ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn.
Ông Đặng Thanh Dân, bên ảnh bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hoàn thành chương trình tiểu học, ông chính thức tham gia Quân đội và được phân công làm việc tại Đại đội bảo vệ của Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc trên chuyến tàu Kilinski. Trải qua 3 ngày, 3 đêm trên biển, chiếc tàu đưa ông cùng các đồng chí của mình dừng lại tại bến Sầm Sơn (nay là cảng Lạch Hới- Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông được điều động về công tác tại Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 330, đóng tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1960, ông được cử theo học Trường Sỹ quan Pháo binh ở Sơn Tây, Hà Nội (khóa học về pháo binh đầu tiên ở Việt Nam). Ông được chọn vào đội diễn tập, chuẩn bị cho cuộc tổng duyệt binh kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đây cũng là cơ duyên người lính Năm Dân vinh dự được gặp Bác Hồ.
Cựu chiến binh Năm Dân nhớ lại: "... Đó là vào những ngày cuối tháng 8/1960, nhận được tin trước có Đoàn Chính phủ đến thăm, tôi nghĩ rằng Đoàn sẽ đến thăm các doanh trại ở gần cửa trước, cũng phải mất 1-2 giờ đồng hồ rồi mới đến đơn vị của mình. Do đó, tôi và các đồng đội nghỉ ngơi thêm ít phút sau thời gian luyện tập vất vả.
Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, Bác đã đến và vào doanh trại theo cửa ngang hông - nơi tôi đang nằm. Đi cùng Bác có Bác Tôn, bác Trường Chinh, bác Văn Tiến Dũng… Quá bất ngờ, tôi đứng lên (không thể chào theo kiểu quân sự vì lúc này không mặc quân phục), khoanh tay: “Thưa Bác, cháu chúc Bác khỏe”. Bác dừng lại hỏi: “Chú là người miền Nam, phải không?”. Tôi trả lời: “ Dạ, thưa cháu ở tỉnh Trà Vinh, tập kết ra đây”. Bác hỏi thêm tôi đang công tác ở đâu và khen, động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Đặng Thanh Dân, bên ảnh kỷ niệm con tàu Kilinski-chuyến tàu tập kết cuối cùng của miền Nam.
Đại tá Lê Hiền, Tổng Chỉ huy cuộc duyệt binh khi đó ra hiệu cho các chiến sỹ ngồi tập trung trên sạp để nghe Bác Hồ nói chuyện. Tại buổi gặp, Bác nói: Qua thời gian luyện tập, anh em bộ đội đã chịu đựng gian khổ, thực hiện duyệt binh có kết quả tốt, Bác khen ngợi, biểu dương các thành tích đạt được... Buổi lễ duyệt binh sẽ có đông đảo khách quốc tế, việc tổ chức duyệt binh phải thật chu đáo, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thông qua đó, Bác Hồ muốn cho các vị khách quốc tế biết rằng, bộ đội Việt Nam anh dũng, kỷ luật nghiêm. Bác căn dặn "các cháu phải thật tập trung thực hiện duyệt binh cho thật tốt. Bác và các bác, các chú ở Trung ương, Chính phủ đến thăm làm quen trước, để khi duyệt binh thật, khi diễu hành qua lễ đài, các cháu chỉ chào theo nghi thức, đừng quá mải mê nhìn lên khán đài, làm sai lệch hàng ngũ. Mong rằng, các cháu cố gắng thực hiện tốt"... Rồi Bác tạm biệt đơn vị, đến thăm các lực lượng khác".
... Dù được gặp Bác Hồ chỉ hơn 10 phút, nhưng hình ảnh về Bác trong trí nhớ ông Năm Dân đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Ông luôn khắc ghi và thực hành lời dặn dò của Người trong quá trình học tập, phục vụ quân ngũ. Lúc ấy, ông thấy khuôn mặt Bác sáng đẹp, phúc hậu và nước da hồng hào, nụ cười hiền từ. "Cảm xúc của tôi lúc bấy giờ quá bất ngờ khi Bác thăm đội duyệt binh. Trước đó, tôi nghĩ rằng, lễ duyệt binh lần ấy cũng giống như các cuộc duyệt binh khác. Nhưng Bác đến, tôi mới thấy được đây là buổi lễ rất quan trọng. Bên cạnh đó, tình cảm của Bác với Quân đội rất sâu sắc, Bác quan tâm đến từng việc nhỏ. Những lời Bác Hồ dặn rất mộc mạc, nhưng suốt đời không thể quên”- ông Năm Dân chia sẻ.
Năm 1964, ông Dân được lệnh ra Bắc Giang, rồi Thanh Hóa với nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện cho các đơn vị khác. Năm 1966, ông cùng đoàn cán bộ chiến sỹ Đoàn 719 được lệnh trở về miền Nam, làm nhiệm vụ tại tỉnh Tây Ninh. Từ Thanh Hóa về Tây Ninh, đoàn 719 có trên 200 người di chuyển hoàn toàn bằng cách đi bộ, trong vòng 4 tháng. Sau đó, ông Dân còn kinh qua nhiều nhiệm vụ khác trong Quân đội, trong đó ông được phân công làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Vàm Cỏ và tham gia giúp đỡ nước bạn Campuchia. Năm 1984, trở về Long An, ông được phân công làm Phó Ban Chỉ đạo khai thác vùng Đồng Tháp Mười. Dù công tác ở đâu, mọi hoàn cảnh nào, ông Năm Dân cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Qua những lần được nghe ông Năm Dân kể về kỷ niệm gặp Bác Hồ, anh Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Bến Lức rất cảm động. Anh đã tự rút ra bài học: “Học và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất, phù hợp với chuyên môn của mình để có thể phát huy thế mạnh, sở trường". Vì thế, trong hoạt động triển khai đến đoàn viên thanh niên, anh luôn phát huy tinh thần tuổi trẻ làm theo lời dạy của Bác “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Từ nhiều năm nay, anh đã tham mưu cho Đảng ủy thị trấn đưa ra nhiều mô hình, giải pháp cụ thể nhằm tập hợp thanh niên trong các hoạt động, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của địa phương.
Ở tuổi 85, câu chuyện được gặp Bác Hồ và năm tháng học tập, sống, chiến đấu trong quân đội vẫn luôn được Cựu chiến binh Đặng Thanh Dân kể lại cho thế hệ con cháu và thanh thiếu niên địa phương để các em tự hào hơn về người Cha già của dân tộc, phấn đấu nhiều hơn nữa trong công cuộc học tập, rèn luyện, hành động xây dựng quê hương, đất nước.
Theo TTXVN/Báo Tin tức