Tọa lạc ở vùng Trạm bơm Mỹ Nhơn, cơ ngơi của anh Phạm Văn Thể gồm một ngôi nhà rộng trên 100 m2, được bao quanh bởi đất rẫy có diện tích trên 1,5 ha. Đến đây, chúng tôi nhận thấy bất chấp hạn đang đe dọa gây thiệt hại trong vùng, nhưng cây trồng trên đất anh vẫn xanh tốt. Theo lời anh, mảnh đất này là của cha anh cho, bấy giờ chỉ có đất sỏi khô cằn không thể trồng trọt gì được. Năm 2014, anh bắt đầu cải tạo, thuê thợ đá phá bỏ lớp đá tảng trên bề mặt, tiền công phá đá thời đó khoảng 300.000 đồng/ngày, phải mất cả tháng anh mới dọn dẹp xong. Có được đất mặt, anh tiến hành cày xới, bón thúc phân và tận dụng nguồn nước dẫn về từ kênh Bắc để bơm tưới cây trồng. Từ những giọt mồ hôi cần cù đổ xuống, anh đã biến mảnh đất này thành những đám rẫy xanh mơn mởn màu cây lá. Hiện tại trên đất canh tác của anh đang trồng măng tây (1,5 sào), đậu phộng (2 sào), hành (2 sào), dưa hấu (1 sào), 100 cây gỗ sưa (4 năm tuổi) và dành trên 1,5 sào trồng các cây ăn trái như: nhãn, dừa, xoài, mít, mãng cầu (gần 300 cây). Trừ mãng cầu có chở ra chợ bán, còn lại các thứ trái khác chỉ để ăn hoặc biếu khách quen. Ngoài đất rẫy, anh còn canh tác 2 sào lúa ở vùng ruộng gò cách đó 1 km, thu hoạch vụ đông xuân mới đây đạt năng suất 8 tạ/sào.
Anh Phạm Văn Thể chăm sóc măng tây xanh trồng tại rẫy.
Trong cái nắng nóng một ngày đầu tháng 5, anh dẫn chúng tôi tham quan hệ thống “thủy lợi” của mình. Trước mắt chúng tôi là các ao chứa ăm ắp nước mà theo anh dù khô hạn, nước ao vẫn đủ tưới thoải mái hơn 1 tháng mới hết. Bằng kinh nghiệm của một người dân bản địa, anh biết nếu muốn trồng trọt trên mảnh đất này, điều cần thiết nhất là phải tìm cách tích trữ nước để phòng khi trời không mưa, kênh Bắc cạn nước. Để có chỗ đào ao, anh thuê đất gần con kênh bê tông nội đồng (kênh N2) và đào 3 ao nước (diện tích tuần tự là: 4 sào, 2 sào và 1,5 sào). Từ kênh N2, nước đổ vào các ao chứa, khi kênh khô cạn, nước ao đưa về máy bơm đặt cách đó không xa và được bơm vào đường ống dẫn khoảng 500m về tưới cho rẫy. Toàn bộ hệ thống này được anh Thể đầu tư trên 100 triệu đồng, nhờ nó nên anh luôn chủ động được nước tưới. Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn, anh có cách làm riêng mà anh gọi là xé nhỏ sản xuất, tức là thu hẹp lại diện tích từng loại cây trồng và làm theo kiểu cuốn chiếu, hễ thu hoạch xong đám đất này thì trồng tiếp đám đất khác.
Anh Thể chia sẻ: “Sản xuất ở vùng đất khắc nghiệt này, ngoài chủ động nguồn nước tôi còn mua chiếc máy cày tay để cơ giới hóa khâu làm đất và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước”. Năm ngoái, thu nhập hằng ngày của anh Thể từ các loại cây trồng trung bình 300-400 ngàn đồng, nhưng năm nay đã có sự thay đổi đáng kể. Đơn cử măng tây xanh, trước đây loại một có giá 65 – 70 ngàn đồng/kg, giờ do dịch COVID-19, siêu thị không thu mua nên giá giảm còn 40 ngàn đồng/kg, tiêu thụ khó khăn. Để bù vào khoản thu nhập giảm, giữa tháng 4 anh đã xuống giống trồng trên 2 sào hành ta và chú ý đầu tư chăn nuôi. Cụ thể anh đang nuôi 10 con heo rừng lai F1, 100 con gà tre, 50 con vịt và 3 con bò nái lai. Tận dụng ao trữ nước tưới mùa khô, anh còn thả nuôi cá nước ngọt. “Với các loại cây trồng, vật nuôi này, rẫy lại trồng đủ các loại rau nên gia đình anh hoàn toàn có thể tự cung, tư cấp, không cần phải ra ngoài khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19”.
Vùng Trạm bơm Mỹ Nhơn có diện tích 203 ha, trong đó đã có 176 ha đất rẫy màu, đất trồng lúa bấp bênh chuyển đổi sang trồng các cây ngắn ngày, ít sử dụng nước tưới. Tuy nhiên, trước dấu hiệu mùa hạn năm nay còn kéo dài, nhiều diện tích cây trồng chuyển đổi nơi đây đang có nguy cơ khô héo do thiếu nước. Vì vậy với việc thuê đất đào ao trữ nước chống hạn, anh Thể chứng minh sự lo xa của mình là đúng hướng. Hiện tại anh tiếp tục theo dõi sát sao nguồn nước chứa từ ao để duy trì tưới cho cây trồng, đồng thời chuẩn bị khi có nước kênh Bắc về sẽ lựa chọn phương án canh tác phù hợp trên diện tích khoảng 6,9 sào đất còn lại hiện vẫn để trống.
Bạch Thương